Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ trong bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở

Tiến Thành| 11/09/2020 11:31

(HNMO) – Sáng 11-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 48, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, dự thảo Luật gồm 5 chương, 35 điều, điều chỉnh thống nhất nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách thành nhiệm vụ chung, bảo đảm phù hợp với trình độ, năng lực và thể hiện rõ tính chất là “lực lượng tham gia hỗ trợ”. Lực lượng này có tên gọi chung là lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và được bố trí thành tổ an ninh, trật tự ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương thuộc địa bàn cấp xã. Chế độ bồi dưỡng hằng tháng của lực lượng này do ngân sách địa phương hỗ trợ, cân đối kết hợp với huy động nguồn lực trong nhân dân được hỗ trợ hằng tháng theo mức do HĐND cấp tỉnh quyết định, đồng thời được bảo đảm các điều kiện để hoạt động…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, chỉ khoảng 23% đơn vị hành chính cấp xã có lực lượng dân phòng, 77% đơn vị cấp xã chưa có lực lượng dân phòng. Bên cạnh đó, sau khi cơ cấu lại, còn khoảng 1,5 triệu người là đối tượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được quy định trong Luật. Ông Hoàng Thanh Tùng lo ngại, việc chi trả chế độ bồi dưỡng hằng tháng cho lực lượng này sẽ là gánh nặng rất lớn cho ngân sách địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình khẳng định, vấn đề ổn định cơ sở là vấn đề hết sức quan trọng. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận ở địa phương có cần thêm lực lượng này không bởi tại cơ sở có nhiều hệ thống đoàn thể, việc thành lập thêm một lực lượng có khiến cho bộ máy cơ sở nặng nề hay không. Ông Phan Thanh Bình đặt ra quan điểm phải cân nhắc ban hành Luật ngay hay cần thực hiện thí điểm để rút kinh nghiệm tổ chức. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng nêu quan điểm nên ban hành Pháp lệnh để tổ chức thực hiện trước khi nâng lên thành Luật.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, có nhiều mô hình, tổ chức tự quản của quần chúng bảo đảm an ninh, trật tự như câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, hiệp sĩ đường phố… phải được đánh giá tổng kết để xác định cần duy trì hay đưa vào quy định trong dự thảo Luật, đồng thời cần làm rõ mối liên hệ giữa Luật với các tổ chức tự quản đã hình thành và hoạt động hiệu quả.

Cho rằng lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện, bản chất là mô hình tự quản của quần chúng ở cơ sở, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần làm rõ hơn tính chất, phạm vi, chức năng của lực lượng này tham gia phối hợp với lực lượng công an. Bên cạnh đó, xác định rõ tính chất phối hợp, hỗ trợ, bảo đảm không chồng lấn khi 7 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cơ bản bao quát hết các nhiệm vụ, nội dung bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở của công an cấp xã. “Nên chăng lực lượng này phải do quần chúng lựa chọn, được UBND cấp xã công nhận và công an cấp xã hướng dẫn về nghiệp vụ”, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân nói. 

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật, bởi cơ sở mà không yên bình, không an toàn thì chỉ cần một “đốm lửa nhỏ” có thể bùng lên trở thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự.

Phát biểu làm rõ một số nội dung, Đại tướng Tô Lâm cho rằng, thực tiễn các lực lượng đang tồn tại và thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở, nếu không ban hành Luật quy định sớm thì sẽ gây nhiều khó khăn cho công tác. Về việc chỉ đưa 3 lực lượng vào điều chỉnh trong Luật, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết các lực lượng này đang được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật và thực tế đang thực hiện nhiệm vụ, có mối quan hệ chặt chẽ về cơ cấu bộ máy, tổ chức; đánh giá thực tiễn các lực lượng này đã phát huy vai trò tích cực trong bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. Các mô hình của quần chúng hoạt động đơn lẻ, mang tính chất đặc thù địa bàn nên chưa thể đưa vào điều chỉnh trong Luật.

Bộ trưởng Tô Lâm nêu con số, để chi trả hỗ trợ 300 nghìn đồng/người/tháng cho khoảng 1,5 triệu người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thì ngân sách sẽ chi khoảng 450 tỷ đồng/tháng, trung bình mỗi tỉnh, thành phố khoảng 7 tỷ đồng/tháng. Điều này đã cắt giảm được 3 tỷ đồng/tháng/tỉnh, thành phố và giảm 150 tỷ đồng/tháng ngân sách toàn quốc chi trả cho các lực lượng trị an ở cơ sở như hiện nay.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, nhìn chung Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật, cơ bản dự thảo Luật đã đáp ứng yêu cầu trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ mười. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ trong bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.