Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tránh chấn thương, rèn tâm lý

Mai Hoa| 28/07/2018 07:59

(HNM) - Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (gọi tắt là Trung tâm), nơi tập trung những gương mặt chủ lực của thể thao Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) lần thứ 18 - năm 2018, đang vào giai đoạn

- Liệu có cần cấm trại để chuẩn bị cho ASIAD 18 hay không, thưa ông?

- Đây là việc làm cần thiết, thường được thực hiện ở giai đoạn trước thềm các đại hội thể thao quốc tế lớn nhằm bảo vệ lực lượng, giúp các vận động viên toàn tâm, toàn ý tập luyện trong giai đoạn cuối cùng của chu kỳ huấn luyện. ASIAD 18 sẽ khai mạc trong vòng 3 tuần nữa, vì vậy, Trung tâm quyết định cấm trại từ ngày 24-7 đến ngày 22-8. Ban huấn luyện các đội tuyển phải chủ động điều chỉnh giáo án tập luyện phù hợp, phòng tránh chấn thương cho vận động viên. Cùng với việc hoàn thiện kỹ thuật, chiến thuật, các huấn luyện viên cần tiến hành giải pháp rèn tâm lý, nâng cao tinh thần và quyết tâm của vận động viên trước giờ lên đường sang Indonesia tham dự ASIAD 18.

- Tình hình các đội tuyển đang tập huấn tại Trung tâm hiện ra sao, thưa ông?


- Kỳ ASIAD 18 này, số lượng vận động viên mà chúng tôi được giao quản lý gồm hơn 800 người thuộc hơn 20 đội tuyển, chưa kể vận động viên một số đội tuyển quốc gia và các đội tuyển trẻ đã lên đường đi tập huấn, thi đấu. Trong số vận động viên đang tập huấn tại Trung tâm, có rất nhiều gương mặt đủ sức tranh chấp huy chương tại đấu trường ASIAD 18.

- Ở giai đoạn nước rút, giải pháp được đặc biệt lưu ý áp dụng là gì?

- Duy trì kỷ luật là yêu cầu được đặt lên hàng đầu, cả với vận động viên, huấn luyện viên và cán bộ Trung tâm. Thời kỳ cấm trại chính là lúc các đội tuyển hoàn thiện các bài tập kỹ - chiến thuật nên không được phép để vận động viên phân tâm. Phải bảo đảm không để xảy ra trường hợp chấn thương trong lúc tập luyện cũng như sinh hoạt. Bởi vậy, các huấn luyện viên cũng cần “trực chiến”, quản lý vận động viên sát sao. Phòng Quản lý huấn luyện phải tăng cường kiểm tra ngoài giờ, không để vận động viên ra khỏi Trung tâm nếu không có lý do đặc biệt.

- Nhưng các liệu pháp giải tỏa áp lực tâm lý cũng rất cần được lưu ý, thưa ông?

- Tất nhiên, duy trì kỷ luật nghiêm không có nghĩa là gây căng thẳng cho huấn luyện viên, vận động viên. Trong giai đoạn này, Trung tâm phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghệ thuật biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giải trí, qua đó giúp vận động viên có được sự thoải mái sau giờ tập. Bên cạnh đó, chúng tôi dồn những gì tốt nhất trong khả năng cho vận động viên. Bữa ăn của vận động viên được xây dựng với sự tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng, có sự góp ý của chính huấn luyện viên, vận động viên nhằm đưa ra thực đơn phù hợp với tính đặc thù của từng môn thể thao.

- Có rất nhiều vấn đề cần được lưu ý trong việc ăn uống và sử dụng thuốc của vận động viên trước thềm các đại hội thể thao quốc tế. Điều đó là gì?

- Trong thể thao thành tích cao, việc sử dụng các loại thuốc bổ trợ giúp vận động viên tăng lực, nâng cao thành tích là cần thiết, nhưng phải bảo đảm các loại thuốc bổ này không có chất nằm trong danh mục cấm sử dụng. Thực tế, việc tăng cường thuốc bổ và vitamin cho vận động viên tại Trung tâm đều phải có sự chỉ dẫn của bác sĩ. Trung tâm chỉ có hơn 10 bác sĩ, lực lượng săn sóc viên cũng mỏng nên chúng tôi phải nhờ Bệnh viện Thể thao hỗ trợ trong việc chăm sóc y tế cho vận động viên. Dù vậy, chúng tôi cũng chỉ có thể tập trung cho nhóm vận động viên trọng điểm có khả năng tranh chấp huy chương Á vận hội.

- Ông từng nhiều lần nhấn mạnh về nhiệm vụ tránh chấn thương, rèn tâm lý cho vận động viên tham dự ASIAD. Theo ông, chúng ta nên áp dụng những biện pháp cụ thể nào?

- Về liệu pháp tâm lý, người trong nghề vẫn có những "ngón" riêng. Bên cạnh đó, bản lĩnh, tâm lý vận động viên cần được trui rèn qua quá trình thi đấu. Thời gian qua, nhiều đội tuyển đã được cử đi thi đấu quốc tế, như đội bắn súng thi đấu tại Hàn Quốc, karate sang Iran; bắn cung, taekwondo đến Hàn Quốc, wushu tới Trung Quốc... Tất cả đều nhằm giúp vận động viên rèn bản lĩnh, tích lũy kinh nghiệm khi bước vào thi đấu. Còn với nhiệm vụ bảo toàn lực lượng thì chính kinh nghiệm, tài năng, sự hiểu biết sâu sắc của các huấn luyện viên về học trò sẽ giúp họ đề ra những bài tập phù hợp với vận động viên ở từng thời điểm... Còn nhiều biện pháp nữa, nhưng vào lúc này tôi chỉ muốn khẳng định rằng, các huấn luyện viên, vận động viên đang dồn lực chuẩn bị cho ngày lên đường, thi đấu thành công tại ASIAD 18.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tránh chấn thương, rèn tâm lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.