(HNM) - Cuộc chiến pháp lý giữa Tổng thống Donald Trump và các cơ quan tư pháp Mỹ liên quan đến Chương trình hành động trì hoãn trục xuất những người nhập cư trái phép vào Mỹ từ khi còn nhỏ (DACA) vẫn chưa thể ngã ngũ. Tuy nhiên, việc thúc đẩy chương trình này là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông chủ Nhà Trắng và điều đó khiến “Giấc mơ Mỹ” của nhiều người nhập cư trẻ tuổi trở nên ngày càng mong manh.
Tòa án Hiến pháp Mỹ vừa ra quyết định ủng hộ phán quyết trước đó của các tòa án cấp thấp cho rằng việc Tổng thống D.Trump hoãn thực hiện DACA vào năm 2017 là bất hợp pháp. Động thái này đồng nghĩa với việc khoảng 650.000 người nhập cư, chủ yếu sinh ra tại Mexico và các nước Mỹ Latinh khác tránh được nguy cơ bị trục xuất và đủ điều kiện nhận giấy phép làm việc trong hai năm. Tuy nhiên, với diễn biến mới nhất, nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố sẽ đệ trình lại kế hoạch chấm dứt DACA, trong khi Quyền Bộ trưởng An ninh nội địa Chad Wolf khẳng định, Washington đã đặt mục tiêu kết thúc chương trình này trong vòng 6 tháng tới.
Được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama phê chuẩn vào năm 2012, chương trình DACA, còn được gọi là "Dreamers", trao quyền cư trú tạm thời và một số ưu tiên việc làm cho những người đến Mỹ bất hợp pháp khi chưa đủ 16 tuổi. Những cá nhân tham gia chương trình có thể nộp đơn xin gia hạn 2 năm/lần. Tuy nhiên, ngay từ lúc tham gia chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2016, ông D.Trump đã coi việc trục xuất người nhập cư trái phép là một trong những vấn đề trọng tâm.
Vì vậy, ngay khi bước chân vào Nhà Trắng, đương kim Tổng thống Mỹ đã thể hiện quyết tâm theo đuổi chính sách nhập cư cứng rắn và tuyên bố hoãn áp dụng DACA hồi năm 2017. Tuy nhiên, Tòa án Mỹ lại ra phán quyết khẳng định chính sách này vẫn có hiệu lực. Kể từ đó tới nay, việc duy trì hay hủy bỏ DACA luôn là đề tài "nóng", gây tranh cãi gay gắt trong nội bộ nước Mỹ, đồng thời khiến những người thuộc phạm vi điều chỉnh của chính sách này hoang mang, lo lắng về tương lai của chính họ.
Mặc dù Tổng thống D.Trump phản đối phán quyết mới nhất của Tòa án Hiến pháp Mỹ, coi đây là quyết định "khủng khiếp và mang tính chính trị", nhưng quan điểm của cơ quan tư pháp Mỹ lại được những người hưởng lợi từ DACA cũng như người ủng hộ chương trình này, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và cộng đồng doanh nghiệp Mỹ hoan nghênh. Nhiều doanh nghiệp xứ Cờ hoa lo ngại, việc chấm dứt chương trình DACA sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và doanh thu thuế bởi người nhập cư là một phần quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ. Đây là lực lượng lao động phổ thông dồi dào, sẵn sàng làm những công việc mà phần lớn người Mỹ có trình độ không muốn đảm nhận.
Mặc dù vậy, giới quan sát cho rằng, quyết định của Tòa án Hiến pháp sẽ không ngăn được Tổng thống D.Trump tiếp tục có những bước đi tiến đến mục tiêu chấm dứt chương trình DACA. Những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới thị trường lao động và nền kinh tế Mỹ ngày càng rõ ràng thúc đẩy ông chủ Nhà Trắng càng có thêm quyết tâm giành lại việc làm cho người lao động bản địa. Bản thân Quyền Bộ trưởng C.Wolf cũng cho rằng, Tòa án Hiến pháp không khẳng định DACA là hợp pháp, cũng không tìm cách ngăn chặn việc kết thúc chương trình này mà chỉ không ủng hộ cơ sở và thủ tục mà Nhà Trắng đang áp dụng.
Nói cách khác, các quan chức chính quyền Tổng thống D.Trump cho rằng việc hủy bỏ DACA chỉ còn là vấn đề thời gian nếu như không xuất hiện những chi tiết mới buộc người đứng đầu nước Mỹ phải cân nhắc lại. Tuy nhiên, một số ý kiến nhận định Washington sẽ chưa lập tức chấm dứt DACA trước ngày 3-11 tới, thời điểm Tổng thống D.Trump bước vào cuộc bỏ phiếu tìm kiếm nhiệm kỳ lãnh đạo thứ hai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.