Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trang bị kỹ năng cho tương lai

Mai Hoa thực hiện| 30/07/2017 07:36

(HNM) - Lựa chọn nghề là một trong những việc khó khăn và quan trọng, đòi hỏi mỗi người phải chuẩn bị thật tốt để có quyết định đúng đắn. Trong đó, dòng sách mang tính cẩm nang nghề nghiệp là một kênh tư vấn hữu ích cho các cá nhân, gia đình, nhà tuyển dụng, doanh nghiệp và cả xã hội. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với bà Đỗ Thị Yến - tác giả cuốn

Sách kỹ năng nghề thu hút sự quan tâm của giới trẻ.


- Chúng ta có nhiều kênh truyền thông để hỗ trợ tư vấn định hướng nghề nghiệp. Vậy, theo bà, ưu thế nổi bật của việc tư vấn định hướng nghề qua sách so với các kênh thông tin khác là gì?

- Là một người làm nghề đã gần 20 năm tại các tập đoàn lớn, các công ty đa quốc gia, đặc biệt đã tham gia tư vấn hướng nghiệp cho hàng trăm nghìn sinh viên ở các trường đại học, tôi thấy tư vấn qua sách sẽ giúp các bạn luôn lưu giữ lại được những thông tin cần thiết để có thể tra cứu bất cứ khi nào mình cần.

- Với "Cẩm nang nghề nghiệp hiện đại", giá trị thực tiễn của việc tư vấn, định hướng nghề thể hiện ở những điểm nào, thưa bà?


- Thứ nhất là tính hệ thống, xuyên suốt. Thứ hai, chân dung về nghề được mô tả chân thực - cả về khó khăn và thách thức - bởi chính các chuyên gia, những người từng làm từ hơn 10 năm cho đến gần 50 năm ở chính các vị trí đó, giúp độc giả có thể hình dung toàn diện về nghề mà mình muốn theo đuổi, và có thể ra quyết định đúng đắn. Thứ ba là tính cập nhật thông tin về nghề và xu thế thời đại.

- "Định vị bản thân, quản trị cuộc đời" là cụm từ được nhắc đến nhiều trong cuốn cẩm nang nghề của bà. Nhưng, để làm được điều đó thì thực sự là không dễ dàng. Từng trải qua nhiều vị trí quản lý, đặc biệt về nhân sự, bà có thể chia sẻ kinh nghiệm với giới trẻ trong việc chọn trường, chọn nghề hiện nay?

- Tôi nhớ một câu nói rất hay của Nghệ sĩ Ưu tú Chí Trung làm việc tại Nhà hát Tuổi trẻ mà sau này thành câu cửa miệng của nhiều người: “Ở đời phải biết mình là ai?”. Câu nói vui vẻ và dân dã này bao hàm toàn bộ ý nghĩa điều mà bạn đã hỏi. Cuộc đời con người có những giai đoạn khác nhau. Hãy luôn “định vị” mình trong hoàn cảnh hiện tại, xác định đích đến tương lai mà mình muốn hướng tới để có được lộ trình phù hợp. Hãy chọn nghề theo ước muốn, khả năng của bản thân kết hợp với điều kiện gia đình và nhu cầu xã hội, từ đó xác định được trường mình cần học để sau này hành nghề, theo nghề, và thành công.

- Trong phần dự báo thị trường việc làm, nhu cầu lao động và xu hướng việc làm thời gian tới, bà nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng mềm trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo bà, kỹ năng mềm ở đây thực ra gồm những gì? Giới trẻ cần làm gì, và cần được hỗ trợ như thế nào để được trang bị đầy đủ những kỹ năng quan trọng đó?

- Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề kỹ năng mềm được đặt ra nhiều hơn bao giờ hết. Đặc biệt, trong Đối thoại chính sách cao cấp APEC về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số - trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp APEC và các cuộc họp liên quan - diễn ra ngày 15-5, tại Hà Nội mà tôi tham dự, vấn đề này đã được các chuyên gia quốc tế mổ xẻ nhiều nhất. Công nghệ số, máy móc đã làm thay con người hầu hết những công việc “cứng”, có thể số hóa. Vậy, để sinh tồn và không bị máy móc thay thế, con người buộc phải thông minh hơn máy móc và phải làm những việc “mềm” mà máy móc không thể “mềm” thay mình được.

Các kỹ năng mềm đó chính là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trình bày, kỹ năng đàm phán, thuyết phục, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng tư duy và giải quyết vấn đề, kỹ năng xử lý mâu thuẫn và giải quyết xung đột... Những kỹ năng đó không phải tự nhiên mà có, đều phải học tập và rèn luyện thường xuyên trong một khoảng thời gian dài thì mới thành thục được. Chính vì vậy, thiết nghĩ, các chương trình đào tạo và thực hành kỹ năng mềm nên được đưa vào trong chương trình giảng dạy từ những năm cuối cấp 2 và triển khai liên tục ở các bậc học tiếp theo cho đến hết bậc đại học.

- "Cẩm nang nghề nghiệp hiện đại" được cho là một cách "vẽ chân dung về nghề cho giới trẻ, giúp các em và cha mẹ có thể định hướng tương lai rõ ràng hơn, đặc biệt trong chọn trường để học, chọn nghề để làm". Nhưng, để sự tư vấn từ những trang sách đi vào cuộc sống, có giá trị thực tiễn đối với độc giả, chúng ta cần có sự hỗ trợ, tác động như thế nào từ xã hội, thưa bà?

- Sách là một chuyện, để những điều bổ ích trong sách đi vào thực tiễn là một chuyện khác. Cần có sự quan tâm và hỗ trợ đồng bộ từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở giáo dục ở địa phương và đặc biệt là hiệu trưởng các trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học quan tâm hỗ trợ, đưa vào chương trình giảng dạy và thực hành.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Tác giả Đỗ Thị Yến tốt nghiệp Thạc sĩ quản trị kinh doanh - Đại học Tổng hợp Hawaii (Mỹ), là người đã có gần 20 năm kinh nghiệm thực tiễn về quản trị nguồn nhân lực tại các tập đoàn đa quốc gia. Hiện bà là Giám đốc điều hành tại GPO (www.gpo.com.vn) - công ty chuyên cung cấp các dịch vụ nhân sự trọn gói như tuyển dụng, đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng quản lý và về nhân sự, tư vấn hướng nghiệp...
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trang bị kỹ năng cho tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.