Tuần qua, tỷ giá trung tâm ổn định ở mức 24.960 VND/USD, trong khi tỷ giá USD tự do giảm tới 170 đồng cả hai chiều so với phiên cuối tuần trước. Trong khi đó, tỷ giá EUR lại ngược chiều với USD, tăng mạnh.
Phiên đầu tuần, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm 5 đồng, lên 24.960 VND/USD, tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước cũng tăng lên 23.762 VND/USD (mua vào) - 26.158 VND/USD (bán ra).
Đến phiên đóng cửa tuần, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) niêm yết tỷ giá quanh mức 26.130 - 26.150 VND/USD, tăng nhẹ 10 đồng so với đầu tuần và tăng 20 đồng so với tuần trước. Còn Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) niêm yết tỷ giá ở mức 25.775 - 26.135 VND/USD, tăng nhẹ 25 đồng hai chiều so với đầu tuần.
Trên thị trường tự do, từ mức 26.420 VND/USD đầu tuần, tỷ giá giảm còn 26.380 VND/USD vào phiên cuối tuần, tương đương mức giảm 40 đồng trong tuần và giảm tới 170 đồng so với phiên cuối tuần trước. Như vậy, trái với lo ngại, nguồn cung USD trên thị trường khá dồi dào, không xảy ra biến động lớn trên thị trường tiền tệ.
Trên thị trường quốc tế, chỉ số DXY đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt trong “rổ” tiền tệ thế giới giảm 0,67%, đạt mức 99,17 điểm. Đồng bạc xanh tiếp tục có tuần giảm do các tổ chức kinh tế, cũng như giới đầu tư phản ứng với các chính sách thuế quan của Hoa Kỳ.
Nhưng ở chiều ngược lại, đồng EUR, GBP (bảng Anh), JPY (yên Nhật) và CAD (đô la của Canada) đều ghi nhận mức tăng. Cụ thể, tỷ giá EUR/USD tăng 1,133; GBP/USD tăng lên 1,3488, mức cao nhất kể từ tháng 2-2022, sau khi CPI của Anh bất ngờ tăng trong tháng 4, làm giảm kỳ vọng về việc Ngân hàng Anh cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.
Các chuyên gia cũng cho rằng, đồng USD giảm trong thời gian gần đây phản ánh lập trường thận trọng từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), cùng với kỳ vọng trong bối cảnh các mức thuế cao dần gỡ bỏ, Mỹ có ít động lực hơn để duy trì đồng USD mạnh.
Với đồng EUR khi kết thúc tuần qua, tỷ giá EUR tại Vietcombank chạm 30.170,45 VND/EUR, tăng tới 327 đồng so với đầu tuần, đảo chiều so với mức giảm 170 đồng so với cùng kỳ tuần trước.
Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho hay, Ngân hàng Nhà nước nhiều lần điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm từ đầu năm 2025. Cùng với đó, Chính phủ đang tăng cường kiểm soát gian lận xuất xứ và đa dạng hóa thị trường để giảm thiểu rủi ro từ chính sách thuế quan của Hoa Kỳ.
Thời gian tới, tỷ giá VND/USD sẽ tiếp tục chịu áp lực từ bất ổn kinh tế, chính trị toàn cầu và thay đổi trong chính sách thương mại quốc tế, dù USD có dấu hiệu hạ nhiệt khi thị trường kỳ vọng FED sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối quý III-2025.
Trong nước, dù Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách điều hành linh hoạt, kết hợp can thiệp kịp thời qua các phiên bản ngoại tệ kỳ hạn, áp lực từ nhu cầu nhập khẩu mùa cao điểm, cùng với dòng vốn FDI chưa ổn định hoàn toàn và rủi ro suy yếu từ cán cân thương mại khiến VND khó khăn để giữ vững giá.
Nhờ áp lực của tỷ giá giảm, Ngân hàng Nhà nước đã quay lại “hút ròng” 1.325,15 tỷ đồng, trong khi thông qua thị trường mở, cung ứng 24.953,82 tỷ đồng. Cùng với đó, khối lượng các khoản vay cầm cố đáo hạn là 26.278,97 tỷ đồng khiến tổng nguồn vốn lưu hành trên thị trường mở giảm còn 44.901,5 tỷ đồng.
Đối với lãi suất liên ngân hàng từ tháng 4 đến nay dao động quanh 4%/năm cho hầu hết kỳ hạn. Riêng tuần qua, lãi suất liên ngân hàng ghi nhận diễn biến phân hóa nhẹ giữa các kỳ hạn, phản ánh sự điều chỉnh cung - cầu thanh khoản trên thị trường.
Theo đó, lãi suất qua đêm tăng lên 3,86%, tăng 8 điểm cơ bản so với cuối tuần trước. Lãi suất kỳ hạn 1 tuần cũng tăng nhẹ lên 3,95% (tăng 3 điểm). Riêng kỳ hạn 1 tháng tăng mạnh lên 4,30% (tăng 17 điểm). Ở chiều ngược lại, kỳ hạn 2 tuần giảm nhẹ xuống 4,11% (giảm 2 điểm). Ở kỳ hạn dài hơn, lãi suất 3 tháng duy trì ổn định quanh vùng 4,61 - 4,74%, kết tuần ở mức 4,61%, giảm nhẹ 1 điểm.
Các chuyên gia cho rằng, tỷ giá vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do những căng thẳng chính trị cũng như kinh tế toàn cầu, nên cơ quan điều hành sẽ linh hoạt sử dụng nhiều công cụ như lãi suất điều hành, tỷ lệ dự trữ bắt buộc và nghiệp vụ thị trường mở để duy trì thanh khoản dồi dào cho hệ thống ngân hàng, đồng thời giữ lãi suất cho vay ở mức hợp lý, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.