(HNMO)- Liên hoan Múa đương đại Á Âu lần thứ 5 với quy mô của 6 nước tham gia sẽ chính thức khai mạc vào 20h00 ngày 1/10 tại Nhà hát Tuổi trẻ Hà Nội.
Tại Liên hoan “Múa đương đại Á Âu 2015”, các nghệ sỹ xuất sắc đến từ các nước sẽ trình diễn 7 vở múa đương đại gồm: Tác phẩm “Những nỗi cô đơn” (Nos Solitudes) của nghệ sỹ Julie Nioche (Pháp); Tác phẩm “Artlana” của hai nghệ sỹ Artour Astman (Nga) và Ilana Bellahsen (Pháp); Tác phẩm “Bên bờ” do biên đạo Karine Ponties sáng tác và dàn dựng với sự tham gia của các diễn viên: Nguyễn Văn Nam (Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam) và Jaro Vinarsky (đoàn múa Dame de Pic); Tác phẩm “Hai miền đất nước” (Zweiland) của nữ biên đạo Sasha Waltz người Đức; Tác phẩm “Kelex trở của về rừng” của nghệ sỹ Kentaro người Nhật Bản; Tác phẩm “Rối loạn nhân cách tuýp B” của Daniel Stryjecki người Ba Lan; và Tác phẩm “Có có không không” (Yes yes no no) của nghệ sỹ, biên đạo múa Trần Ly Ly (Việt Nam).
Tác phẩm "Yes yes No no" của Trần Ly Ly |
Tham gia “Liên hoan Múa Đương đại Á Âu 2015”, nghệ sỹ múa Trần Ly Ly (Việt Nam) có tham gia vở diễn “Có có không không” (Yes yes no no) dựa trên tư tưởng Phật giáo nhưng lại nêu bật một vấn đề rất phổ biến trên thế giới hiện nay đó là về thời đại công nghệ. Vở diễn gồm 7 nghệ sỹ thể hiện một cảm giác luôn đau khổ, nhưng cũng không rõ là đau khổ về cái gì, mà luôn phải trăn trở, suy nghĩ…để mang đến cho khán giả một câu chuyện đẹp.
Nghệ sỹ, biên đạo múa Trần Ly Ly |
Vở diễn “Yes yes no no” của biên đạo múa Trần Ly Ly nói về thế giới đương đại quay cuồng trong nhịp sống số. Cứ X ngày, toàn bộ dữ liệu về tri thức của con người lại tăng gấp đôi. Nguồn phát thông tin và các kênh truyền thông ngày càng nhiều nhưng đi đôi với nó là sự sụt giảm của tính đáng tin cậy của các thông tin ấy. Thông tin nhiều nhưng thông tin không hữu ích cũng ngày càng nhiều. Con người ngày càng phụ thuộc vào công nghệ. Từ sáng đến tối, cuộc sống của dân thành thị dường như gắn với những chiếc smart handset. Từ trên giường ngủ, bước vào toilet, ra đường, trong trường học, công sở, cho đến những không gian thầm kín, mạng xã hội thông qua các thiết bị cầm tay thông minh len lỏi vào từng lát cắt của cuộc sống. Người ta ít nói chuyện với nhau hơn, ít quan tâm thực sự tới nhau hơn, thích sự hào nhoáng bên ngoài hơn, ít dành thời gian đến với nhau; đọc nhiều hơn, nhưng nông hơn, ngắn hơn, nóng nảy hơn; sống gấp và không có thời gian quan tâm đến chính mình.
Trong cuộc nhiễu loạn ấy, Thiền như một tiếng chuông làm cảnh tỉnh mọi người. Khi Thiền, người ta sống chậm lại, nhìn vào chính mình, nhìn ra xung quanh với một sự điềm tĩnh. Con người ta cũng gần gũi với thiên nhiên, sống nhân văn hơn.
Chia sẻ về sự khó khăn để giữ vững tình yêu đối với múa đương đại, nghệ sỹ Trần Ly Ly cho rằng, có lẽ cô theo tư tưởng Phật giáo nên tôi nghĩ mỗi người được Trời giao cho một trọng trách, mình phải làm. Vì thế, mặc dù đến với nghệ thuật múa đương đại, tất cả chúng tôi đều thấy vất vả, khó khăn vì múa đương đại không mang lại cho chúng tôi nhiều tiền để sống, nhưng chúng tôi vẫn làm. Tiếp cận khán giả đối với múa đương đại luôn luôn khó, khó thật đấy vì nghệ sĩ múa đương đại không có tiền, mà khán giả đến với múa đương đại cũng không phải là người có đủ tiền để mua vé cho các nghệ sĩ múa đủ sống. Chúng tôi làm việc không phải vì tiền, đau khổ tận cùng, các nghệ sĩ từng “trách” tôi: “Chị ấy bắt múa văng não!” có nghĩa là múa rất căng, vừa múa vừa phải nghĩ. Nhưng chắc chắn “Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ!”
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.