(HNM) - Thực phẩm bẩn (TPB) đang khiến cho người dân hoang mang lo lắng cho sức khỏe của bản thân và gia đình. Trong khi đó, các cơ quan chức năng lại đang tỏ ra yếu kém trong việc bảo vệ người tiêu dùng, dẫn đến xảy ra tình trạng tràn lan TPB.
Vệ sinh an toàn thực phẩm là mối quan tâm lớn của người tiêu dùng hiện nay. |
Tác nhân gây ung thư
Thời gian gần đây, vấn đề an toàn thực phẩm trở thành nỗi lo lắng thường trực với người tiêu dùng khi hàng loạt vụ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bị phanh phui. Theo Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, 3 tháng đầu năm 2016, Chi cục kiểm tra 50 mẫu, phát hiện 8 ca dương tính với Salbutamol, tương đương 16%. Đối với rau củ, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vẫn còn tồn tại. Trong tháng 2-2016, Chi cục Bảo vệ thực vật TP Hồ Chí Minh sau khi lấy 49 mẫu rau, củ, quả kinh doanh tại ba chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền để kiểm định đã phát hiện 3 mẫu còn tồn dư thuốc BVTV Chlorpyrifos vượt mức cho phép.
TPB tràn lan như hiện nay là tác nhân dẫn đến tỷ lệ mắc ung thư tại Việt Nam tăng chóng mặt. Theo Hiệp hội Ung thư Việt Nam, ước tính vào năm 2020, số mắc mới ung thư sẽ là gần 200.000 ca, đưa Việt Nam là nước có tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới. Sở dĩ số ca mắc ung thư tăng nhanh do 3 nguyên nhân, trong đó tác nhân từ TPB đứng đầu, chiếm khoảng 35%. Không chỉ gây tỷ lệ ung thư cao, TPB cũng là nguyên nhân dẫn tới 400 căn bệnh, chủ yếu là các bệnh tả, lỵ trực tràng, tiêu chảy, thương hàn, cúm gia cầm….
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do sự yếu kém của cơ quan chức năng trong việc kiểm soát nông sản thực phẩm và giết mổ gia súc, gia cầm. Theo bà Mai, tình hình hiện nay khiến người tiêu dùng thiếu thông tin, mất dần niềm tin về thực phẩm an toàn là lỗi của các cơ quan chức năng.
Ngoài ra, tình trạng cơ quan chức năng quản lý an toàn thực phẩm hiện nay bị phân công chồng chéo, cán bộ trình độ hạn chế nên không quản lý nổi vấn đề phức tạp này. Theo ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Bình Dương cho biết, ngay chính cơ quan quản lý thị trường thuộc ngành Công thương khi được giao quản lý mảng an toàn vệ sinh thực phẩm thì không biết quản lý như thế nào vì không đúng với chuyên môn. "Quản lý chồng chéo dẫn đến khi xảy ra sự việc các cơ quan vẫn quy đổ trách nhiệm cho nhau, trong khi vấn đề chính là làm sao để người tiêu dùng không phải sử dụng thực phẩm bẩn thì không ai nhắc đến", ông Danh cho biết.
Người tiêu dùng cần được bảo vệ
Trao đổi với ông Đỗ Ngọc Chính, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng cho biết, an toàn thực phẩm liên quan chặt chẽ đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống hiện nay và cả tương lai giống nòi. Do đó, người tiêu dùng có quyền và tỏ thái độ rõ ràng trong việc lựa chọn thực phẩm, trong đó việc tẩy chay những thực phẩm không đạt chuẩn cùng những người và tổ chức liên quan chính là một phương cách quan trọng để có tiếng nói quyết định của mình với thị trường thực phẩm. Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải xác định rõ bản thân mình cũng là người tiêu dùng, bảo vệ người tiêu dùng là bảo vệ chính gia đình mình. "Làm ăn chân chính là con đường chắc chắn, vững bền nhất để chinh phục người tiêu dùng", ông Chính khẳng định.
Luật sư Trịnh Bá Thân (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, hiện nay Quốc hội đã ban hành Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, trong đó quy định buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm, chất tạo hương, tạo nạc sẽ bị phạt tù và khung tăng nặng lên đến 20 năm tù. Theo luật sư Thân, luật pháp đã thay đổi do tình hình TPB diễn biến phức tạp, gây lo lắng cho người dân trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, luật sư Thân cũng cho rằng, hiện nay việc mua và sử dụng các loại chất cấm, phụ gia hóa chất có hại đến sức khỏe quá dễ dàng. Do đó, cần tăng cường quản lý đối với việc kinh doanh loại mặt hàng này để có thể truy tận gốc của vấn đề.
Để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra khi mua phải thực phẩm không an toàn, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai khuyến cáo người tiêu dùng nên mua thực phẩm có nguồn gốc, nơi đã được cơ quan nhà nước kiểm soát (quầy, sạp trong chợ, cửa hàng, siêu thị,…), ưu tiên sản phẩm có bao gói, nhãn mác, các địa điểm kinh doanh sạch sẽ, bảo đảm vệ sinh thú y (thịt gia súc treo trong các tủ mát, thịt gia cầm trong tủ bảo ôn,…), có uy tín về chất lượng, có niêm yết giá theo quy định. Hạn chế các sản phẩm chế biến sẵn vì nguy cơ sử dụng chất tẩy trắng, hàn the là rất cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.