Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm xây nền kinh tế tự chủ, tự cường

Lê Đức Hải| 16/02/2015 06:24

(HNM) - Khi hơi thở mùa xuân cận kề cũng là lúc những chuyến xe đưa đón công nhân về quê ăn Tết đã thưa vắng hơn mấy ngày trước. Đến thời điểm này phần lớn người Việt Nam đã sum họp dưới mái nhà của mình để sửa soạn đón Tết cổ truyền, tạm gác lại một năm vất vả, toan lo.

1. Khi hơi thở mùa xuân cận kề cũng là lúc những chuyến xe đưa đón công nhân về quê ăn Tết đã thưa vắng hơn mấy ngày trước. Đến thời điểm này phần lớn người Việt Nam đã sum họp dưới mái nhà của mình để sửa soạn đón Tết cổ truyền, tạm gác lại một năm vất vả, toan lo. Song, nhìn vào mức độ chi tiêu, sắm Tết của các gia đình công nhân, người lao động nghèo, có nhiều điều đáng suy nghĩ.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, kỷ lục về mức thưởng Tết Ất Mùi năm 2015 thuộc về một doanh nghiệp (DN) ở TP Hồ Chí Minh, với số tiền lên tới 583 triệu đồng. Một DN ở tỉnh Bình Dương cũng có mức thưởng cao ngất 482 triệu đồng. Thưởng Tết ở Hà Nội "khiêm tốn" hơn, cao nhất là 85 triệu đồng, bằng 1/7 so với số tiền thưởng của DN nọ ở TP Hồ Chí Minh.

Số liệu của cơ quan chức năng cũng cho thấy, các đơn vị có mức thưởng Tết cao đều là DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), còn tiền thưởng Tết của DN có vốn nhà nước ở mức "thường thường bậc trung". Èo uột nhất là khối DN tư nhân, mức thưởng của nhiều DN chỉ tương đương một tháng lương. Không ít DN chỉ thưởng một khoản tiền tượng trưng; thậm chí có DN ở phía Nam chỉ thưởng… 30.000 đồng/người! Một số DN thưởng cho công nhân bằng sản phẩm "cây nhà lá vườn", đơn cử như một cơ sở sản xuất rượu ở Hải Dương thưởng cho người lao động… 20 chai rượu nếp, hay một DN điện máy ở TP Hồ Chí Minh có "sáng kiến" cho nhân viên tùy ý chọn sản phẩm của công ty, ai thích gì thì lấy! Cách thưởng Tết bằng hiện vật giúp DN tăng doanh số bán hàng, nhưng lại "làm khó" người lao động khi họ đang rất cần tiền mặt để lo toan một cái Tết cho gia đình. Đáng nói hơn là nhiều công nhân xem như năm nay không có Tết do DN tuyên bố "không có thưởng"…

Cả nước hiện còn 1,8 triệu hộ nghèo và 1,4 triệu hộ cận nghèo, trong đó có nhiều gia đình công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Điều đó đồng nghĩa với việc "Tết nghèo" vẫn hiện diện ở nhiều vùng, miền Tổ quốc. Với truyền thống "tương thân tương ái", mỗi khi Tết đến, xuân về, các cấp, ngành cùng đồng bào cả nước lại có những nghĩa cử cụ thể, thiết thực nhằm chăm lo, giúp đỡ những gia cảnh khó khăn, người nghèo có một cái Tết tươm tất. Tết Ất Mùi này, 500.000 công nhân đã được các cấp công đoàn hỗ trợ tiền mặt hoặc hiện vật, hàng vạn công nhân ngoại tỉnh được bố trí xe đưa về quê ăn Tết… Hàng nghìn tỷ đồng được trao cho các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn. Thế nhưng đó vẫn chỉ là giải pháp trước mắt.

2. "Bức tranh" thưởng Tết với những mảng màu tương phản và nhiều cung bậc cảm xúc đã phản ánh rõ "sức khỏe" của cộng đồng DN nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm sau suy thoái cùng với những bất ổn chính trị mang tính toàn cầu, mức tăng trưởng của Việt Nam năm 2014 vẫn đạt 5,98%, cao hơn mức tăng của năm 2013 và cả năm 2012 trước đó. Mức tăng GDP cho thấy những tín hiệu tích cực của nền kinh tế. Sản xuất kinh doanh có dấu hiệu phục hồi, khó khăn của DN đang dần được tháo gỡ, một số ngành đạt mức tăng trưởng khá, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được bảo đảm... Thành tựu đó đã khẳng định hướng đi đúng và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cũng như những nỗ lực của các bộ, ngành, cộng đồng DN cùng toàn thể người dân. Mặc dù vậy, kinh tế - xã hội nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động khó lường, tác động không nhỏ đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời ảnh hưởng đến xuất khẩu và lạm phát trong nước. Sản xuất, kinh doanh trong nước đứng trước thách thức của cơ chế thị trường và sức ép hội nhập quốc tế trong điều kiện năng suất lao động thấp, chậm được cải thiện và năng lực cạnh tranh yếu. Áp lực nợ xấu vẫn nặng nề, nhất là nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước. Nhu cầu tiêu dùng nội địa tuy tăng trước nhưng chưa mạnh. Đặc biệt là cán cân thương mại đạt thặng dư song vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực FDI với giá trị gia tăng thấp...

Có một thực tế cần phải thừa nhận rằng đà tăng trưởng của Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI, trong khi hầu hết DN trong nước đang ngày càng khó khăn. Và đó chính là lý do dẫn đến chuyện thưởng Tết "người toại nguyện, người ngậm ngùi". Đây không phải là chuyện mới, mà là vấn đề tồn tại từ nhiều năm nay song chưa được khắc phục, càng đáng quan ngại hơn, trong thời điểm nước ta đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với những dấu mốc quan trọng trong năm 2015 này.

Theo thống kê, trong tổng số hơn 400.000 DN đang hoạt động ở nước ta có tới trên 90% là DN tư nhân, có quy mô vừa và nhỏ, thu hút 50% số lao động xã hội, đáng kể là tập trung nhiều DN trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, duy trì việc làm cho lực lượng lao động, bảo đảm an sinh xã hội cho 70% dân số của đất nước...

Ở các nước phát triển, DN tư nhân đóng vai trò động lực của nền kinh tế. Thế nhưng, ở Việt Nam phải khẳng định là DN tư nhân đông nhưng không mạnh. Chiếm hơn 90% tổng số DN nhưng khối DN tư nhân chỉ đóng góp hơn 40% GDP. Do nguồn lực và năng lực cạnh tranh hạn chế, đặc biệt là yếu thế, bất bình đẳng so với khu vực nhà nước và FDI nên DN tư nhân chẳng những không lớn mà còn "teo tóp", thể hiện qua con số bị "xóa sổ" hằng năm. Thực tế cũng cho thấy, chỉ có một số rất ít DN tăng trưởng đột biến chủ yếu dựa vào hoạt động thương mại, khai thác tài nguyên, bất động sản... gần như chưa xuất hiện những DN tư nhân có quy mô lớn, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, mang lại nhiều giá trị gia tăng cho xã hội hay có những đóng góp về công nghệ, kỹ năng quản trị... Phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội cuối năm vừa qua cũng nêu ra con số chỉ có 30% DN đang hoạt động có lãi. Đáng lo ngại là hiện tượng DN trong nước bị DN nước ngoài chèn ép, khống chế, thôn tính dần đang ngày càng phổ biến...

3. Năm 2015 này là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Đặc biệt, năm nay là năm bản lề cho môi trường kinh doanh ở nước ta, với việc cơ bản xóa bỏ hàng rào thuế quan tiến tới hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến vào cuối năm; ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EU)... Theo cam kết hội nhập, có đến 90% loại sản phẩm hàng hóa không còn chịu thuế nhập khẩu. Việc gia nhập AEC và tham gia các hiệp định thương mại được kỳ vọng là "cú hích" cho nền kinh tế, song cũng đặt ra những thách thức rất lớn cho DN Việt. Có thể hình dung ra cuộc cạnh tranh hàng nội - hàng ngoại sẽ khốc liệt đến mức nào.

Mặc dù cơ hội và thách thức đã rõ, thế nhưng trong khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã có những động thái "đón đầu" tại thị trường Việt Nam thì cộng đồng DN trong nước dường như vẫn chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng. Không ít DN vẫn "bình chân như vại", thậm chí nhiều doanh nghiệp vẫn làm ăn theo kiểu chụp giật, manh mún... Đó là những vấn đề nội tại có thể khiến DN trong nước bị lép vế, "thua trên sân nhà" trước sức cạnh tranh mạnh mẽ của DN nước ngoài được chuẩn bị tốt, thậm chí dẫn đến nguy cơ nền kinh tế có thể ngày càng phụ thuộc vào nước ngoài.

4. Trước thềm xuân mới Ất Mùi, mùa xuân thứ 70 đất nước được độc lập tự do; mùa xuân thứ 40 non sông hòa bình, thống nhất; mùa xuân của đất nước đổi mới và hội nhập, càng thấy rõ ý nghĩa thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh: Đó là độc lập, tự do phải gắn với tự chủ, tự cường về kinh tế. Và trọng trách đó thuộc về các cấp, ngành chức năng và đặc biệt là cộng đồng DN. Bên cạnh việc cần một môi trường kinh doanh bình đẳng thì mỗi DN phải có ý thức tự cường, đó là chủ động và nỗ lực hành động để vượt qua khó khăn, phát huy nguồn lực nội sinh, tranh thủ nắm bắt, tận dụng cơ hội, làm chủ thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế. Có như vậy mọi người dân mới ăn Tết yên vui; cộng đồng DN mới vững mạnh, trở thành động lực xây dựng nền kinh tế tự chủ và tự cường, xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, thịnh vượng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm xây nền kinh tế tự chủ, tự cường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.