(HNM) - Lịch sử nền báo chí nước nhà được ghi dấu ấn từ cách đây 145 năm, nhưng mốc son chói lọi nhất, đánh dấu sự mở đầu của nền Báo chí Cách mạng là sự ra đời của tờ Thanh niên do Bác Hồ sáng lập, số đầu đến tay bạn đọc đúng ngày này 85 năm trước (21-6-1925).
Từ thời điểm lịch sử đó đến nay, Báo chí Cách mạng Việt Nam đã đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng của dân tộc; không ngừng phấn đấu, trưởng thành, xứng đáng là "người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể" các phong trào cách mạng của nhân dân, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn gắn bó máu thịt và phấn đấu hết mình vì lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc. Đảng và nhân dân luôn đánh giá cao những cống hiến to lớn của giới báo chí. Để ghi nhận những đóng góp của giới báo chí nước nhà qua các thời kỳ phụng sự đất nước, vì hạnh phúc nhân dân, vì lợi ích dân tộc; và Báo chí Cách mạng Việt Nam với hơn 20 ngàn nhà báo được cấp thẻ, các phóng viên, người lao động nghề báo làm việc tại gần 800 cơ quan báo chí, nhân kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã quyết định trao tặng giới báo chí Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam phần thưởng cao quý - Huân chương Sao Vàng.
Cùng với tiến trình đổi mới của đất nước, báo chí Việt Nam cũng không ngừng phát triển và ngày càng tỏ rõ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Báo chí không chỉ thông tin, tuyên truyền, cổ động, tạo ra dư luận xã hội mà còn có khả năng tổ chức, tập hợp lực lượng xã hội thành các hoạt động quần chúng trong thực tiễn, càng đòi hỏi trách nhiệm xã hội của báo chí cũng như của những người làm báo ngày càng lớn lao.
Trách nhiệm xã hội ấy đòi hỏi những người làm báo dám nhìn thẳng vào sự thật với cái nhìn đa chiều, tích cực đấu tranh chống tiêu cực, bám sát muôn mặt đời sống xã hội, đưa tin nhanh hơn, hấp dẫn hơn để phục vụ nhu cầu đa dạng của người đọc, người xem nhưng phải bảo đảm tính định hướng, đúng tôn chỉ mục đích của tờ báo, bảo đảm lợi ích của đất nước, của nhân dân; nội dung thông tin phải chính xác; nhanh, hấp dẫn nhưng không giật gân, câu khách, tạo ra khuynh hướng thông tin lệch lạc. Vị thế của cơ quan báo chí và nhà báo được đánh giá cao, nhưng trách nhiệm xã hội nặng nề, đòi hỏi mỗi người làm báo luôn phải rèn luyện, phấn đấu, không được vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Để hoàn thành trách nhiệm xã hội của mình, hơn lúc nào, mỗi người cầm bút, cầm máy; mỗi nhà báo cần quán triệt sâu sắc hơn nữa lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ". Với vũ khí ấy, nhà báo càng phải xác định rõ "viết cho ai, viết để làm gì, viết như thế nào" để sáng tạo những tác phẩm chất lượng cao, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.
Với 85 năm xây dựng và trưởng thành, giới báo chí có quyền tự hào về nền Báo chí Cách mạng nước nhà, tự hào về các thế hệ làm báo đã cống hiến hết mình vì Tổ quốc, vì nhân dân. Niềm tự hào ấy, cùng niềm đam mê cháy bỏng với trách nhiệm xã hội cao cả sẽ là động lực to lớn để những người làm báo viết tiếp truyền thống 85 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.