Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Thế Phương| 26/08/2015 06:15

(HNM) - Ngày 25-8, Hội đồng Tiền lương quốc gia tiếp tục đàm phán về mức tăng lương tối thiểu vùng 2016. Và một lần nữa các bên tham gia không tìm được tiếng nói chung. Tăng lương tối thiểu vẫn là vấn đề nan giải.


Lương tối thiểu không đủ cho cuộc sống tối thiểu là một thực tế đã kéo dài nhiều năm. Do vậy, tăng lương tối thiểu không chỉ là "chuyện riêng" của người lao động và người sử dụng lao động. Lộ trình tăng lương tối thiểu đã được hoạch định (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ kết thúc vào năm 2017) nhưng trong bối cảnh doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay thì đây vẫn sẽ là câu chuyện dài dài. Tuy nhiên, có vấn đề không thể không nói là trách nhiệm, cụ thể là trách nhiệm của doanh nghiệp - với tư cách là người sử dụng lao động đối với người lao động - là nguồn lực phát triển của doanh nghiệp nói riêng và của xã hội nói chung.

Một thống kê mới đây cho thấy, tiền lương tối thiểu đã tăng từ mức 350.000 đồng/tháng vào năm 2005 lên 2.150.000 đồng/tháng vào năm 2015 (đối với vùng IV). Mức tăng chung trong cả giai đoạn là 6,14 lần, tương đương mức tăng trung bình khoảng 20%/năm. Trong khi đó năng suất lao động của Việt Nam trong thập niên vừa qua chỉ tăng 3%. Như vậy, tốc độ tăng lương tối thiểu so với tốc độ tăng năng suất lao động có thể gọi là "phi mã". Theo giới chuyên gia kinh tế, nếu không dựa trên các yếu tố như năng suất lao động, năng lực cạnh tranh... tiếp tục thúc đẩy tiến trình tăng lương tối thiểu, có thể sẽ dẫn tới không ít hệ lụy. Thậm chí có cả những cảnh báo về việc không thể gia tăng việc làm mới cũng như nạn thất nghiệp...

Giới doanh nghiệp nước nhà thì cho rằng: Nếu đề xuất tăng lương mà phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra (năm 2016 tăng 16,8% so với năm 2015) được áp dụng sẽ kéo theo hàng loạt chi phí khác như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phí công đoàn... trong khi gánh nặng thương trường trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay đã quá nặng trên vai doanh nghiệp. Có doanh nghiệp thẳng thắn: Lương càng tăng, càng ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp. Công bằng mà nói những lo ngại về chỉ tiêu lợi nhuận, khả năng cạnh tranh... của giới doanh nghiệp không phải là không có cơ sở. Hơn nữa, đã kinh doanh, không thể không tính toán lợi nhuận nên đương nhiên giới doanh nghiệp sẽ "kỳ kèo" với đề xuất tăng lương từ phía đại diện người lao động.

Tuy nhiên, có một thực tế là cuộc sống của người lao động hiện nay đang hết sức khó khăn. Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, với mức lương được nhận hằng tháng từ 4,5 đến 5 triệu đồng, 92% người lao động phải sống tằn tiện. Mặt khác, từ thực tế hoạt động doanh nghiệp cho thấy, người lao động chính là nguồn lực nòng cốt quyết định sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp. Từ đây có thể đặt câu hỏi: Nếu không bảo đảm cho người lao động có cuộc sống tối thiểu, doanh nghiệp nhận được sự tận tâm, gắn bó của họ hay không? Nếu không có được sự tận tâm, gắn bó ấy, có thể tăng năng suất lao động, tăng lợi nhuận hay không?...

Rõ ràng khi tiền lương của người lao động không được cải thiện, không thể nói đến năng suất lao động, thái độ, ý thức của người lao động hay quan hệ lao động. Tăng lương tối thiểu cho người lao động không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mà quan trọng hơn đây chính là giải pháp bảo đảm sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.