Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm với tương lai

Vũ Duy Thông| 04/12/2012 06:47

(HNM) - Sự cố với các công trình hồ, đập thủy điện nối tiếp nhau xảy ra khiến dư luận không thể yên tâm. Đầu tiên là động đất kích thích liên tiếp ở khu vực hồ và lượng nước rò rỉ bất thường qua đập chính Thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam).

Tiếp đó là sự cố vỡ đập ở Nhà máy thủy điện Đăk Krông 3 (Quảng Trị), sự cố vỡ đập thượng nguồn ở Nhà máy thủy điện Đăk Mei 3 (Kon Tum). Trước đó là sự cố vỡ đập ở Đămbol - Đạ tẻh (Lâm Đồng), Hố Hô (Hà Tĩnh). Có một nét chung là các công trình xảy ra sự cố đều ở các dự án thủy điện công suất nhỏ, tức là hiệu quả không cao trong khi mất đất, mất rừng, di dời dân rất lớn. Cùng với đó các công trình này do tư nhân đầu tư theo chủ trương xã hội hóa và đều do địa phương thẩm định, phê duyệt dự án. Do đó, buộc người ta phải đặt ra những câu hỏi về chất lượng, hiệu quả các công trình thủy điện vừa và nhỏ đã có hoặc đang triển khai, đồng thời thận trọng hơn trong khi phê duyệt, cân nhắc giữa cái được và cái mất của một dự án, không một chiều như trước. Cũng từ các sự cố này, Chính phủ đã lập đoàn khảo sát và đã tiến hành đánh giá chất lượng cũng như độ an toàn của 30 hồ thủy điện trong số hơn 1.000 hồ và nhà máy, vì sự an toàn của người dân vùng hạ lưu.

Đúng là nước ta có nguồn tiềm năng thủy lợi, thủy điện rất lớn, trung bình cứ 1km2 diện tích có từ 2 đến 4km sông ngòi. Các con sông có trữ năng thủy điện lớn phân bố đều từ Bắc vào Nam như sông Đà, sông Chảy, sông Gâm, sông Lô, sông Mã, sông Cả, sông Ba, sông Sê San, sông Đồng Nai… Đúng là chúng ta cần rất nhiều điện năng cho sự nghiệp phát triển đất nước và việc khai thác nguồn lợi thủy điện là một hướng đi không những đúng mà còn tất yếu. Tuy nhiên, việc khai thác thủy điện một thời gian dài đã bị buông lỏng, làm theo phong trào, thiếu hiểu biết, không tính toán đầy đủ những thiệt hại về môi trường, đời sống người dân… Vì nguồn lợi này, có những địa phương như tỉnh Quảng Nam có tới 100 dự án đắp đập, ngăn sông làm thủy điện; Kon Tum có 65 dự án, còn số tỉnh có vài chục dự án cũng khá nhiều. Theo tính toán của các chuyên gia, cứ sản xuất được 10KW điện phải mất một héc ta rừng. Vậy chúng ta đã mất bao nhiêu héc ta rừng cho 160 công trình thủy điện có liên quan đến rừng và chúng ta cũng đã mất bao nhiêu đất đai cho các dự án thủy điện ấy? Chỉ lấy công trình thủy điện Sơn La sắp khánh thành để hình dung: Để có công suất 2.400MW điện, chúng ta phải mất 242km2 để làm hồ nước, phải di dời 100.000 dân đến chỗ ở mới, phải đầu tư 46.000 tỷ đồng cho dự án. Đó là với một công trình có nhiều lợi thế nhất, tiết kiệm tiền của, đất đai, diện tích rừng nhất và có hiệu quả lớn nhất.

Bởi thế, cần phải kiểm tra lại tất cả các công trình thủy điện trên địa bàn toàn quốc. Cần cân nhắc việc phát triển thủy điện theo phương châm vì người dân, vì hiện tại và tương lai của đất nước dù đã làm dở dang, dù tốn kém tiền của. Và quan trọng hơn là cần xem xét lại chính sách phân cấp về phê duyệt dự án thủy điện như đã từng xem xét việc phân cấp trong đầu tư, khai thác khoáng sản…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm với tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.