(HNM) - Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV vừa hoàn thành 2,5 ngày làm việc với nội dung chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến 4 lĩnh vực: Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Tài chính; Ngân hàng; Giao thông - Vận tải. Đây đều là những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước.
Một số nội dung được các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn là tình trạng “được mùa, mất giá” trong ngành Nông nghiệp; quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, cho vay đầu tư bất động sản trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính; dự án thi công kéo dài gây đội vốn, thiếu vật liệu thi công các dự án, thu phí không dừng... trong lĩnh vực Giao thông - Vận tải. Ngoài ra, những vấn đề dân sinh khác như giá sách giáo khoa, giá xăng - dầu, giá vàng... cũng làm “nóng” nghị trường.
Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, thu hút sự quan tâm, chú ý rộng rãi của nhân dân. Đã có 266 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn, 131 lượt đại biểu đã thực hiện quyền chất vấn, 28 lượt đại biểu đã tiến hành tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề quan tâm, cho thấy các đại biểu Quốc hội đã chủ động bám sát đời sống. Các câu trả lời chất vấn cũng phản ánh sự cầu thị nghiêm túc, trách nhiệm cao của tập thể Chính phủ, thông qua những cam kết, đưa ra giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại, đi đôi với tiến độ thời gian thực hiện...
Vấn đề quan trọng là sau những lời hứa về trách nhiệm trên nghị trường thì việc chuyển biến trong chỉ đạo, hành động thực tế sẽ ra sao? Do đó, những lời hứa, những cam kết của “tư lệnh ngành” phải được bảo đảm thực hiện bởi những giải pháp có tính khả thi, hiệu quả cao, chứ không chỉ là những lời nói.
Thực tế thời gian qua cho thấy, từ lời hứa trách nhiệm đến hành động cụ thể vẫn còn khoảng cách. Điển hình như câu chuyện bao giờ trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài trên đường Võ Văn Kiệt (Hà Nội) dừng hoạt động, dù đã trải qua nhiều kỳ chất vấn nhưng chưa có kết quả thỏa đáng... Cử tri cả nước có quyền đòi hỏi các thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm túc những lời hứa của mình. Đều đã có chế tài để xử lý những “tư lệnh ngành” sẵn sàng hứa, sẵn sàng nhận trách nhiệm nhưng không thực hiện, hoặc thực hiện không đến nơi đến chốn, vấn đề là áp dụng thế nào để những chế tài ấy thực sự mang lại hiệu quả.
Để những lời hứa trước diễn đàn Quốc hội, trước nhân dân trở thành hiện thực, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội, việc tăng cường năng lực và đổi mới công tác giám sát của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tiếp tục là vấn đề cần được đặt ra sau mỗi phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Được biết, trên cơ sở chất vấn của các đại biểu Quốc hội và trả lời của các thành viên Chính phủ, kết luận đối với từng phiên chất vấn về từng nhóm vấn đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu chuẩn bị nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn để trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp. Sau hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết về vấn đề này để nâng cao hiệu quả chất vấn và trả lời chất vấn đối với từng lĩnh vực. Đây cũng là cơ sở để các đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân giám sát việc thực hiện của các bộ trưởng, trưởng ngành...
Người dân tin tưởng vào ý thức trách nhiệm của các vị “tư lệnh” ngành, các đại biểu Quốc hội trên từng vị trí công tác và mong muốn các cơ quan chức năng triển khai thực hiện một cách nghiêm túc để những lời hứa trách nhiệm sớm trở thành hiện thực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.