Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm thuộc về ai?

Đan Nhiễm| 14/08/2015 06:16

(HNM) - “Rối như tơ vò” - Đó là thực tế xảy ra trong những ngày vừa qua liên quan đến công tác xét tuyển vào đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đợt 1 năm 2015. Nói vậy là bởi lãnh đạo các cơ quan thuộc Bộ GD-ĐT liên tục có những chỉ đạo các trường ĐH, CĐ, Sở GD-ĐT tạo điều kiện cho thí sinh trong quá trình xét tuyển, nếu phát hiện vi phạm thì sẽ bị


Đối với thí sinh và gia đình họ là những lời khuyên, lời động viên "bình tĩnh, không nên quá lo lắng"… Nhưng thực tế hàng chục vạn thí sinh và gia đình họ đang "mất ăn, mất ngủ" với tính toán nên nộp hồ sơ vào trường nào, nộp rồi thì có nên rút hay không… để có được tấm bằng cử nhân sau này. Thực tế đó khiến không ít người ví von có phần chua chát rằng "Bộ GD-ĐT đang dạy thí sinh chơi chứng khoán", hoặc "đúng là kiếp con trâu" để nói về nỗi gian truân của những thí sinh được sinh ra năm 1997 và năm nay lần đầu thi ĐH!

Điều gì đang xảy ra?

Trên báo chí, mạng xã hội những ngày qua, nhiều gia đình than thở rằng, con em họ suốt ngày làm bạn với điện thoại, ipad, máy tính, ôm ti vi, ăn, ngủ như một hình nhân di động. Các em nộp hồ sơ xét tuyển xong mà cứ thấp thỏm không yên vì phải thường xuyên vào mạng xem thứ hạng điểm của mình tụt xuống bao nhiêu… Rồi là chuyện cải tiến cung cách xét tuyển nửa mùa khi thông báo thứ hạng của thí sinh trên mạng thông qua website của trường ĐH, CĐ nhưng việc nộp hồ sơ vẫn phải lên tận trường. Nghiệt ngã nhất là điểm chấp chới muốn rút hồ sơ nộp vào trường khác, lên trường rút hồ sơ cũng khốn khổ vì với muôn vàn lý do, trong đó có cả lý do muốn giữ chân thí sinh của các trường đã nhận hồ sơ…

Những mối lo đó khiến không khí gia đình có con em đi thi vì thế cũng nặng nề, ngột ngạt. Áp lực thi cử căng thẳng là vậy, 20 ngày chờ đợi cho hết đợt xét tuyển nguyện vọng 1 cũng hao tâm, tổn sức không kém. Nhà có 1 thí sinh thi mà hệ lụy tâm lý cả gia đình gánh. Nhìn đứa con sáng đi ra, chiều đi vào, hết ôm chăn lại ôm gối, hết ngồi lại nằm mà sốt cả ruột. Đành rằng, có những thí sinh đạt điểm cao vẫn vô tư chơi đùa và... chờ đợi ngày công bố điểm chuẩn, nhưng thử hỏi số ấy được bao nhiêu trong số hàng chục vạn em đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ năm nay.

Tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, ngành giáo dục đặt mục tiêu là tiết kiệm tiền bạc của Nhà nước, thí sinh và gia đình nhưng lại tạo ra cuộc "đày ải" mới với gia đình họ. Để có thể chắc suất có một vị trí trên giảng đường của trường nào đó, nhiều gia đình và thí sinh ở tỉnh xa phải ăn trực nằm chờ ở các khu nhà trọ để ngày ngày rồng rắn xem bảng xếp hạng, từ đó "tính toán" xem có nên rút - chuyển hồ sơ giữa các trường. Những tưởng đã kết thúc được kỳ thi "ba chung" nhưng với quy định hiện tại thì kỳ thi năm nay dường như rắc rối hơn vì: Chung đề, chung ngày thi, dùng chung kết quả thi để xét tuyển và phải dùng chung phần mềm xét tuyển. Nỗi gian truân ấy không biết mấy nhà quản lý có tường tận và sẻ chia.

Một chuyên gia giáo dục ngày hôm qua đã phát biểu thẳng thắn rằng, vấn đề hiện nay nằm ở chỗ Bộ GD-ĐT, cụ thể là Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đã can thiệp quá sâu vào thẩm quyền tự chủ tuyển sinh của các trường thông qua các quy định cứng nhắc về xét tuyển, thông tin và dữ liệu tuyển sinh không lưu chuyển thông suốt giữa nhà trường - thí sinh… Việc chính những "người trong cuộc" đã lên tiếng thì mọi sự đã rõ ràng. Chỉ có điều, sau những sự cố "nghẽn mạng" khi công bố điểm xảy ra cách đây chưa đầy tháng và câu chuyện rối như tơ vò khi xét tuyển ĐH, CĐ thì không hiểu trách nhiệm sẽ thuộc về ai?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm thuộc về ai?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.