(HNM) - Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã và đang là vấn đề nóng bỏng. Vấn nạn thực phẩm
Liên quan vấn đề này, có một thông tin rất đáng chú ý, đó là sáng sớm hôm qua 27-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) - trọng điểm cung cấp các loại nông sản, thủy sản... cho người dân Thủ đô và nhiều tỉnh Bắc Bộ. Thủ tướng cũng đã trực tiếp xuống tận ruộng kiểm tra sản xuất ở một hợp tác xã sản xuất rau an toàn tại ngoại thành. Chuyến vi hành lúc tinh sương không chỉ cho thấy sự sâu sát, quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ trong giải quyết vấn đề sát sườn với cuộc sống người dân, với sự phát triển lành mạnh, khỏe khoắn của các thế hệ tương lai mà còn cho thấy tính cấp thiết đặt ra từ thực tiễn.
Chấn chỉnh thị trường, tiến tới bảo đảm VSATTP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ. Nỗi lo của người dân cũng chính là nỗi lo, sự trăn trở của người đứng đầu Chính phủ. Nói cách khác, người đứng đầu Chính phủ, Chính phủ đã coi nỗi lo của người dân là trách nhiệm của mình. Thời gian qua, cùng với việc hoàn thiện khung pháp lý phục vụ công tác quản lý nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, các bộ, ngành liên quan thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, xử lý các vi phạm về VSATTP. Nhiệm vụ trọng tâm này cũng đã và đang được các địa phương chú trọng thực hiện.
Trong đó, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp mà tại cuộc làm việc với UBND thành phố về kết quả thực hiện Chỉ thị 13/CT-TTg (tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá tích cực: Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về thành lập Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm do đích thân Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban. Thành phố đã kết hợp chặt chẽ việc quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi sản phẩm và vùng địa lý song song với việc tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ... Về mặt kỹ thuật, cùng với việc sử dụng thiết bị, công cụ hiện đại, tới đây Hà Nội sẽ dùng các xe chuyên dụng để xét nghiệm nhanh thực phẩm tại các chợ đầu mối, chợ nông sản...
Không quá khi nói rằng thực phẩm "bẩn" là những kẻ giết người thầm lặng và chống thực phẩm "bẩn" chính là cuộc chiến không tiếng súng. Ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới bảo đảm VSATTP là công việc khó, đòi hỏi những giải pháp vừa mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài cũng như sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương. Chính vì vậy, tinh thần coi nỗi lo của người dân thực sự là trách nhiệm của mình phải thấm nhuần ở người đứng đầu chính quyền các cấp, phải được lan tỏa từ trung ương, thành phố xuống cơ sở; ở các cơ quan chức năng liên quan, từ trung ương xuống từng địa bàn.
Cụ thể, sự quyết liệt, sâu sát của Thủ tướng phải được các địa phương chuyển hóa thành các chương trình, kế hoạch, hành động có tính khả thi cao. Với Hà Nội, các chương trình, kế hoạch lớn của UBND thành phố phải được các quận, huyện, phường, xã, cơ quan hữu quan thực hiện một cách thực chất, mang lại chuyển động tích cực. Khi người đứng đầu, nhất là người đứng đầu chính quyền cơ sở, người đứng đầu cơ quan chuyên ngành sâu sát, quyết liệt, vấn nạn thực phẩm "bẩn", sản xuất thực phẩm "bẩn" chắc chắn sẽ bị ngăn chặn một cách hữu hiệu. Cùng với công tác quản lý nhà nước, sự vào cuộc của cộng đồng thông qua việc tẩy chay, tố giác, lên án những hành vi sản xuất, tiêu thụ thực phẩm "bẩn" cũng là một giải pháp có ý nghĩa quan trọng.
Trách nhiệm của người đứng đầu được thực thi ở mức cao nhất, với sự tận tâm, với tinh thần phục vụ, được sự ủng hộ của cộng đồng, khi ấy VSATTP sẽ không còn là vấn đề nóng như hiện nay và người dân sẽ không còn phải lo với chuyện "ăn gì".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.