Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm người đứng đầu ở đâu?

Tuấn Kiệt| 23/05/2015 06:08

(HNM) - Báo cáo tại cuộc họp của Bộ LĐ-TB&XH ngày 21-5 cho biết, từ đầu năm tới nay, các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) đã làm chết 17 người và hàng chục người bị thương. Trước đó, năm 2014, cả nước cũng xảy ra 6.709 vụ TNLĐ và con số tử vong lên tới 630 người.


Hẳn nhiều người còn nhớ vụ sập dàn giáo ở công trường Formosa (Khu công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh), dù trước đó mối nguy hiểm đã được công nhân báo cáo nhưng chính những người sử dụng lao động đã phớt lờ, thậm chí còn ra lệnh buộc công nhân phải làm việc tiếp và hậu quả là 13 người đã thiệt mạng oan uổng, 29 người khác chịu thương tật khi dàn giáo sập xuống. Không khó để nhận thấy những nguyên nhân dẫn đến tai nạn thường vẫn là những sai phạm về quy tắc an toàn lao động, không huấn luyện an toàn, không có đủ trang bị phương tiện an toàn... Tuy nhiên, nhìn nhận kỹ hơn cho thấy, cốt lõi chính là sự thờ ơ, vô cảm với sức khỏe, tính mạng công nhân của những người sử dụng lao động. Trong nhiều trường hợp, dù tai nạn liên tiếp xảy ra và sau mỗi lần như vậy đơn vị chịu trách nhiệm đều cam kết "rà soát an toàn", "không để tiếp tục xảy ra tai nạn"... nhưng thực tế thì đâu lại hoàn đấy, tai nạn vẫn xảy ra còn nghiêm trọng hơn. Ví dụ như tại công trình đường sắt trên cao ở Hà Nội, sau lần cẩu đứt cáp làm một người đi đường tử vong, đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT đã yêu cầu dừng thi công để rà soát công tác bảo đảm an toàn, chỉ thi công trở lại khi đạt yêu cầu về các chỉ tiêu về an toàn. Vậy nhưng tai nạn lại xảy ra, mà không chỉ thêm một lần.

Có thể nói, chính sự thiếu trách nhiệm của người đứng đầu, chỉ huy tại các công trình là nguyên nhân cốt lõi nhất dẫn đến tai nạn. Sự coi thường luật pháp, coi thường sức khỏe tính mạng của công nhân và người dân của các chủ sử dụng lao động, thi công công trình khiến cho nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra. Nhưng cũng đáng tiếc là qua các vụ việc cho thấy cách chúng ta ứng xử với các sai phạm còn nhiều vấn đề. Dường như mỗi khi có tai nạn lao động, chủ đầu tư hoặc đơn vị thi công thường chỉ đền bù thiệt hại về vật chất là coi như xong, rất ít vụ được khởi tố hình sự để điều tra, xử lý nghiêm những cá nhân, đơn vị liên quan. Mà nếu có truy tố thì cũng chỉ "đè" công nhân mà xử, chứ chẳng mấy khi "sờ" đến người quản lý. Đơn vị thi công, giám sát hầu như cũng ít phải gánh chịu trách nhiệm về những sai phạm của mình bằng những chế tài mạnh như buộc chấm dứt hợp đồng, cấm tham gia dự án...

Tai nạn liên tiếp xảy ra và 70% do lỗi của người sử dụng lao động, tức là yếu tố con người vẫn mang tính quyết định. Về nguyên tắc, an toàn lao động đòi hỏi một quá trình tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về kỹ thuật, có sự tính toán dự kiến cặn kẽ các tình huống rủi ro để có phương án ứng phó. Như vậy, nếu những người đứng đầu, chỉ huy, giám sát tại các công trình còn chưa ý thức được trách nhiệm, coi nhẹ chữ "tâm", coi thường sự an nguy của người khác, bỏ qua chỉ một nguyên tắc an toàn thì tai nạn hoàn toàn có thể xảy ra...!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm người đứng đầu ở đâu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.