Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm không của riêng ai

Thống Nhất| 12/04/2014 07:26

(HNM) - Trước những hiện tượng, hành vi

Chỉ ngoan ở trường

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, về cơ bản, đa phần HSSV hiện nay đều có nhận thức đúng đắn về các chuẩn mực đạo đức, nghiêm túc chấp hành nội quy của trường, lớp, tích cực tham gia các hoạt động tập thể trong nhà trường, có ý chí vươn lên trong học tập, rèn luyện… Kết quả khảo sát của Bộ GD-ĐT và các nhà trường đều cho thấy, có hơn 90% HSSV có trách nhiệm với công việc, luôn tích cực, chủ động và tôn trọng các mối quan hệ với người lớn, bạn bè; 97% HSSV cho biết thích được chăm sóc người thân trong gia đình, 96% HSSV thực hiện đúng các quy định của pháp luật; hơn 60% HSSV không đồng tình với gian lận trong thi cử, 91% HSSV không đồng tình với những việc làm sai trái…

Việc giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Ảnh: Nhật Nam



Tuy nhiên, thông qua các báo cáo tại hội thảo, có thể nhận thấy, các tiêu chí để đánh giá thực trạng chất lượng giáo dục đạo đức của HSSV còn chung chung, vì vậy kết quả thu được không "trúng" vấn đề cần quan tâm. Đơn cử như: việc thống kê công tác giáo dục đạo đức có thường xuyên hay không? những phẩm chất đạo đức đã được giáo dục cho HSSV là gì? lười biếng thì có thành công không? có cần phải lao động để sống không? Trong khi các mặt ưu điểm được định lượng khá rõ thì những khuyết điểm, tồn tại lại chỉ được liệt kê chứ không định lượng.

Theo thống kê, hầu hết các địa phương đều có tới hơn 90% HS xếp loại hạnh kiểm tốt và khá, chỉ vài nơi tỷ lệ này ở mức 85%. Nhưng trên thực tế, các biểu hiện lệch lạc về đạo đức của HSSV lại gia tăng ở ngoài xã hội. Điều này cho thấy hiệu quả của công tác giáo dục đạo đức chưa bền vững, các em chỉ tỏ ra ngoan ngoãn trong nhà trường, còn khi ra ngoài rất khó kiểm soát. Thực tế cho thấy, tình trạng HSSV (cả nam và nữ) đánh nhau ngoài đường, quay clip rồi đưa lên mạng không chỉ xảy ra ở thành phố, mà còn xuất hiện ở nhiều địa phương; những vụ việc HSSV tham gia trộm cắp, cướp giật, thậm chí giết cả người thân để có tiền ăn chơi dường như không còn là chuyện hiếm; tình trạng "sống thử" trước hôn nhân, cư xử thiếu văn hóa nơi công cộng, nghiện game, mắc tệ nạn xã hội… trong giới trẻ ngày càng có chiều hướng gia tăng, gây nhức nhối dư luận xã hội.

Có sự suy giảm về đạo đức của HS theo thời gian, cấp học. Càng lên cấp học trên, tỷ lệ HS xếp loại hạnh kiểm khá, tốt giảm; tỷ lệ HS xếp loại hạnh kiểm trung bình và yếu tăng. Cụ thể: Ở cấp THCS, tỷ lệ HS xếp loại tốt chiếm gần 71% thì đến cấp THPT, tỷ lệ này chỉ còn 65%. Tỷ lệ HS xếp loại hạnh kiểm trung bình ở cấp THCS là 5,0%, còn ở cấp THPT là gần 5,6%; tỷ lệ HS xếp loại yếu ở THCS là 0,69%, đến THPT là 3,84%.

Nan giải tìm đáp án

Đã có rất nhiều nguyên nhân được cho là có tác động đến chất lượng của việc giáo dục đạo đức cho HSSV ở trong và ngoài nhà trường. Sự lỏng lẻo của mối quan hệ "ba nhà" (gia đình - nhà trường - xã hội) được xác định là một trong những lý do cơ bản dẫn đến thực trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận HSSV hiện nay. Báo cáo của ngành GD-ĐT và kết quả khảo sát của các đơn vị ngoài ngành GD-ĐT đã xác nhận tình trạng này. Có hơn 1/3 giáo viên coi môn giáo dục công dân/đạo đức chỉ là môn phụ; hơn 1/2 số giáo viên cho biết môn học này chưa được quan tâm đúng mức. Thời lượng môn giáo dục công dân/đạo đức chỉ chiếm 4% thời lượng toàn chương trình (ở cả ba cấp học), thấp nhất trong tất cả các môn học. Tình trạng phụ huynh "khoán trắng" cho nhà trường trong việc giáo dục con em mình vẫn tồn tại, coi mọi lỗi lầm do HS gây ra thuộc trách nhiệm của nhà trường. Vai trò của các tổ chức, đoàn thể ở địa phương chưa được phát huy đúng mức, trong khi kiến thức giáo dục đạo đức trong nhà trường với thực tế ngoài xã hội còn có một khoảng cách khá xa…

Giải pháp để khắc phục tình trạng về giáo dục đạo đức cho HSSV đã được nhiều địa phương, đơn vị đề cập như: củng cố mối quan hệ "ba nhà", điều chỉnh nội dung, phương pháp giáo dục đạo đức, thay đổi hình thức kiểm tra, đánh giá trong việc giáo dục đạo đức HSSV… Thực chất đây là những giải pháp đã được "điểm mặt, chỉ tên" từ lâu, song vẫn chưa có những chuyển biến như mong muốn.

Ý kiến của nhiều nhà giáo cho rằng, gốc của vấn đề hiện nay là chúng ta - cả người lớn và trẻ nhỏ còn thiếu nghiêm túc và quyết liệt trong việc chấp hành các nội quy chung. Trong nhà trường, việc tuân thủ nội quy của HSSV còn mang tính đối phó nhiều hơn là tự giác; trên đường phố và ở nhà, nhiều người lớn thiếu gương mẫu trong việc chấp hành quy định pháp luật, thường xuyên vi phạm những chuẩn mực đạo đức chung… Nhìn lại thực trạng giáo dục đạo đức cho HSSV thời gian qua, có thể thấy công tác này chưa được coi trọng đúng mức ở cả nhận thức và quá trình triển khai. Việc thực hiện còn thiếu tính hệ thống, thiếu sự chung tay vào cuộc thường xuyên và quyết liệt của các lực lượng liên quan khiến chất lượng giáo dục đạo đức cho HSSV chưa được như mong muốn. Việc giáo dục đạo đức cho giới trẻ ở một số nơi dường như mới là phong trào, sự ráo riết với các giải pháp phần nhiều cũng chỉ là hình thức, thiếu sự tập trung trọng điểm. Thế nên, đáng buồn là việc này chỉ rộ lên mỗi khi xảy ra sự cố, rồi đâu lại vào đấy.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm không của riêng ai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.