Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm khi thông tin

PGS.TS Phạm Quang Long| 05/04/2011 06:31

(HNM) - Một tờ báo ngành ngày 29-3 có đăng một bài viết về việc thực hiện nghị quyết 11 của Chính phủ theo cách nào cho hiệu quả nhất. Bài báo đưa ý kiến của một vị Bộ trưởng từ hơn 2 năm trước trong một kỳ họp của Quốc hội đã nêu vấn đề chưa nên vội đầu tư cho việc xây dựng Bảo tàng Hà Nội, vì tuy đó là việc cần nhưng chưa đến mức cấp bách.

Bảo tàng Hà Nội. (Ảnh: Internet)

(HNM) - Một tờ báo ngành ngày 29-3 có đăng một bài viết về việc thực hiện nghị quyết 11 của Chính phủ theo cách nào cho hiệu quả nhất. Bài báo đưa ý kiến của một vị Bộ trưởng từ hơn 2 năm trước trong một kỳ họp của Quốc hội đã nêu vấn đề chưa nên vội đầu tư cho việc xây dựng Bảo tàng Hà Nội, vì tuy đó là việc cần nhưng chưa đến mức cấp bách. Và bây giờ, việc đầu tư đó tuy vốn lớn mà không phát huy được hiệu quả trong xã hội. Trên Truyền hình Việt Nam một hai hôm trước, cũng "phát" lại quan điểm này.

Bài học về việc chỉ chú ý đến lợi ích kinh tế mà quên mất văn hóa, quên nguồn cội đã nhỡn tiền không chỉ ở nước ta, xin không nói lại. Lịch sử của ông cha qua biến thiên của lịch sử và sự tàn phá của cả thời gian và con người, đã mất mát rất nhiều. Những gì còn lại, vì thế càng quý vì có những thứ, dù có rất nhiều tiền cũng không thể mua được. Những thứ đó là truyền thống dân tộc. Và truyền thống đó, một phần nằm trong các bảo tàng. Biết thế cho nên không một dân tộc nào trên thế giới lại coi nhẹ việc bảo tồn những giá trị truyền thống của ông cha. Người ta hiểu và làm thực sự chứ không phải làm qua loa chiếu lệ, hay làm vì những động cơ không vì văn hóa. Những chuyện như thế có thể lừa được trăm người, vạn người, dăm năm, chục năm chứ không giấu được cả thiên hạ, không giấu được cả đời. Còn nhớ, chính quyền Seoul đã phải phá đi cả một khu phố sầm uất để khôi phục lại một dòng sông cổ, vì dòng sông ấy là một phần của lịch sử thành phố này. Nói thế để thấy, cái gọi là cần thiết hay không cần thiết còn phụ thuộc vào nhận thức của mỗi người.

Ông Bộ trưởng nói rằng, việc xây dựng Bảo tàng Hà Nội chưa đến mức cấp bách, đầu tư lại lớn, có thể lùi lại, nhường cho các công trình khác. Quan điểm này lại "lấy kinh tế làm trung tâm" rồi và xem nhẹ vai trò của văn hóa trong phát triển xã hội. Bảo tàng Hà Nội đã được hoạch định để xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ trước, đã phải điều chỉnh địa điểm đến 3-4 lần vì trong những dự định trước vẫn có những khiếm khuyết về quy mô, địa điểm. Không phải ngẫu nhiên mà cả ngành văn hóa, Chính phủ, nhân dân Hà Nội và nhân dân cả nước lại thể hiện sự đồng tình cao như vậy cho việc đầu tư xây dựng bảo tàng. Bảo tàng Hà Nội được xây dựng vào dịp Đại lễ 1000 năm là một minh chứng cho sự trân trọng lịch sử, cho thái độ tri ân tổ tiên của chúng ta ngày hôm nay. Thật khó hiểu tại sao lại có ý nghĩ lạ lùng là nên dừng công trình này lại để dành tiền cho những công trình kinh tế khác. Mỗi công trình có vị trí riêng và việc xây dựng bảo tàng vào lúc này còn là quá muộn. Khi Bảo tàng hoàn thành, chỉ bằng một thư kêu gọi gần như mỗi tỉnh đều tặng Bảo tàng những hiện vật quý của tỉnh nhà để trưng bày và hàng vạn hiện vật do người dân khắp cả nước hiến tặng. Có người đã bỏ ra nhiều chục tỷ đồng để góp phần vào việc hoàn thiện Bảo tàng. Không yêu truyền thống dân tộc, không vì truyền thống ông cha, không vì Đại lễ thì làm sao có được những cử chỉ như vậy? Như thế, khỏi cần phải nói là có nên làm Bảo tàng vào dịp Đại lễ hay không?

Nhưng điều đáng buồn khi người ta nói Bảo tàng xây dựng mà không phát huy được tác dụng, sau mấy ngày khai mạc thì vắng như chùa bà Đanh. Nói như thế chỉ thể hiện sự quan liêu và sự thiếu thông tin của người đưa tin. Chỉ xin đưa một thông tin để mọi người tự đánh giá: sau khi khánh thành, số người đến tham quan Bảo tàng đã dường như quá tải, vượt xa dự tính của cơ quan chuyên môn. Sự thật thì, vì chưa thi công xong nội thất nên từ tháng 3-2011, lãnh đạo Bảo tàng đã xin phép thành phố cho tạm dừng việc tham quan để cơ quan tư vấn (nước ngoài) tiếp tục công việc của họ. Sự việc là thế, lẽ nào có thể nói khác?

Nói lại chuyện xây dựng Bảo tàng Hà Nội và vài sự kiện liên quan để thấy rằng, khi công bố thông tin trên các phương tiện đại chúng, các nhà báo cần chọn lọc, cân nhắc và thận trọng, đặc biệt đối với các vấn đề, sự kiện lớn của Thủ đô và quốc gia. Bởi khi một thông tin bị hiểu sai lệch sẽ chẳng những tổn hại đến uy tín của cá nhân người phát biểu mà nguy hại hơn còn tổn hại khó lường cho đất nước và nhân dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm khi thông tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.