Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm của ai?

Nữ Quỳnh| 12/11/2016 07:38

(HNM) - “Phòng nào khóa cửa ngoài là đi làm, còn khóa cửa trong là đang ngủ”. Đó là hình ảnh miêu tả phần nào đời sống của những lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.


Theo một khảo sát, có tới 70% công nhân là người ngoại tỉnh, sống tại các khu nhà trọ bình dân, không có điều kiện mua sắm thiết bị phục vụ nhu cầu giải trí; các thiết chế văn hóa, thể thao công cộng hầu như không có (nếu có thì chi phí dịch vụ cao). Môi trường văn hóa ở nơi làm việc và sinh sống của công nhân chưa được quan tâm đúng mức là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số công nhân có lối sống thiếu lành mạnh, vướng vào tệ nạn xã hội... Đây là điều rất đáng để suy ngẫm.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao công nhân chưa được hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần tương xứng với thành quả của công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội? Trách nhiệm ấy thuộc về ai?

Trước hết phải nói rằng, công nhân cũng là công dân có đầy đủ quyền và lợi ích như bất cứ thành phần nào khác. Họ có cùng một nhu cầu tối thiểu về mức sống và cũng có những nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần. Dù trình độ văn hóa, nếp sống của mỗi công nhân cũng như nhu cầu và khả năng thụ hưởng văn hóa của họ có khác nhau. Song, phải thừa nhận rằng sự thiếu thốn, nghèo nàn trong tổ chức đời sống văn hóa tinh thần khiến không ít công nhân dường như đã "quên" nhu cầu hưởng thụ văn hóa của mình, và dĩ nhiên họ cũng ít quan tâm đến các vấn đề chính trị, đời sống xã hội...

Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm trước hết thuộc về người sử dụng lao động, tiếp đến là tổ chức Công đoàn và cuối cùng là chính quyền địa phương.

Cả ba khâu trên đều còn những “lỗ thủng”. Chủ sử dụng lao động đương nhiên là vì lợi nhuận mà dễ “quên” quyền lợi của công nhân. Còn với chính quyền, có lẽ họ có nhiều vấn đề cần quan tâm hơn là việc công nhân lao động cư trú trên địa bàn đang sống ra sao? Nói đúng hơn là đa số cho rằng, trách nhiệm ấy thuộc doanh nghiệp (người sử dụng lao động) còn vai trò của họ là quản lý, giải quyết các vấn đề về an ninh trật tự trên địa bàn. Như vậy, tựu trung lại vai trò quan trọng để người công nhân có thể được hưởng thụ văn hóa hay không, đời sống tinh thần của họ có được cải thiện hay không phần lớn thuộc về tổ chức Công đoàn.

Chỉ thị số 52-CT/TƯ ngày 9-1-2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động nhận định: Công nhân chưa được hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần tương xứng với thành quả của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Hệ thống thiết chế văn hóa, công trình phúc lợi, trường học, bệnh viện, nhà ở... phục vụ công nhân lao động chưa được đầu tư thỏa đáng. Điều này đòi hỏi các cấp, ngành, đặc biệt là tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp cần nhận thức và thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động.

Trước hết, tổ chức Công đoàn phải đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường tuyên truyền, tập huấn chính sách pháp luật để trang bị kiến thức cho người lao động, để họ có nếp sống lành mạnh, tích cực tham gia hoạt động văn hóa, thể thao; có ý chí vượt khó, vươn lên, lập thân, lập nghiệp; tạo điều kiện cho người lao động tích lũy kinh tế, nâng cao học vấn, tay nghề, chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái...

Chỉ khi đời sống văn hóa, tinh thần của người lao động được nâng cao thì lợi ích của doanh nghiệp mới đạt hiệu quả và xã hội cũng bớt đi những mối lo...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm của ai?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.