25 năm sống với giới tính nữ cùng tên lót “Thị”, khi cầm kết quả xét nghiệm hoàn toàn là nam, Nhung reo lên cùng đứa em “em có anh trai chứ không phải chị gái” và bước vào cuộc phẫu thuật trả lại giới tính.
Chào đời với bộ phận sinh dục có hình dáng bất thường, chàng trai ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được bố mẹ chọn tên khai sinh và giới tính là nữ, Nhung mặc quần áo, sinh hoạt theo kiểu con gái. 5 tuổi, Nhung bắt đầu lờ mờ nhận thức được mình là con trai, lấy quần áo của người anh trai lớn hơn 2 tuổi. Gia đình hết sức cấm đoán đứa con gái trái tính trái nết. Dần dần mọi người hiểu hơn mới để Nhung được tự do mặc đồ con trai.
Đi học, chàng trai sinh năm 1990 bắt đầu đối diện với chuỗi ngày trường lớp “khủng khiếp”. Bạn bè dùng các từ khó chịu như “pê đê” cùng những hành động khiến Nhung luôn phải gồng lên chống chọi và dần thu mình lại, không chơi với ai nữa. Tuổi học trò của trôi qua không có người bạn thân nào.
“Lên cấp 3 nhà trường và bố mẹ ép mặc áo dài. Được một ngày thì bạn bè trêu chọc và bản thân không muốn nên mình nghỉ học luôn. Cô giáo phải đến nhà nói chuyện và cho phép chỉ mặc đồ sơ mi đi học bình thường mình mới quay trở lại trường”, Nhung trải lòng.
Việc đi vệ sinh cũng khiến chàng trai phải dở khóc dở cười nên rất hạn chế đi. Không ít lần Nhung làm mọi người hoảng hốt khi vào phòng vệ sinh nữ. Giải pháp được Nhung chọn là vào nhà vệ sinh nam đóng cửa "ngồi tiểu". Dù hình dáng giống con trai, chưa từng có kinh nguyệt, không phát triển ngực nhưng do mang tâm lý mặc định giới tính là nữ nên việc vào nhà vệ sinh nam khiến Nhung ít nhiều e ngại.
Nhà đông anh em, kinh tế khó khăn, bố tai biến mạch máu não nằm một chỗ từ 10 năm nay nên Nhung hoàn toàn không được chia sẻ gì về những bất thường của bản thân. Trở nên xa cách và lặng lẽ trong chính ngôi nhà của mình, mọi tâm sự Nhung đều chỉ chia sẻ cô em gái nhỏ hơn mình 2 tuổi. Ngại tiếp xúc với mọi người, chính em gái là người giúp đỡ "chị gái" đi mua quần áo, đồ dùng sinh hoạt nam giới. Đến khi em gái tốt nghiệp trung cấp, động viên anh trai đi khám, Nhung mới mạnh dạn đến Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) xét nghiệm.
Kết quả xét nghiệm cho thấy nhiễm sắc thể 46, XY, là nam hoàn toàn. Ảnh: Lê Phương. |
Lúc cầm kết quả xét nghiệm, biết mình là nam hoàn toàn, Nhung vui sướng nghẹn ngào. Trở về quê xin làm lại chứng minh dân dân, thay đổi họ tên, Nhung được phòng tư pháp huyện yêu cầu phải có giấy chứng nhận y tế đã xác nhận lại giới tính. Nhung tìm hiểu thông tin và đến Bệnh viện Nhi đồng 2, nơi được Bộ Y tế cho phép can thiệp xác định lại giới tính để thăm khám.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Quyền trưởng khoa Ngoại Niệu Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết Nhung là chàng trai có tình trạng lỗ tiểu thấp thể nặng. Lỗ tiểu đổ ra ở vị trí gốc bìu, dương vật bị kéo xuống rất cong, che lấp làm cho bộ phận sinh dục nhìn giống như nữ. Thăm khám cho thấy 2 tinh hoàn ở trong bìu, có tinh trùng, hoàn toàn là nam.
Bệnh lý lỗ tiểu thấp rất phổ biến, cứ khoảng 300 trẻ trai sinh ra có một trẻ bị bệnh lý này. Trong đó thể nặng như Nhung chiếm khoảng 15% bệnh lý. Thông thường trẻ có dị tật lỗ tiểu thấp được can thiệp mổ tốt nhất trong độ tuổi 6 tháng đến 2 tuổi. Lứa tuổi can thiệp này giúp không để lại di chứng về ký ức, ảnh hưởng tâm lý khi trẻ lớn lên và tỷ lệ thành công cao hơn. Rất hiếm ca để trễ như Nhung.
"Đây là trường hợp rất đáng tiếc vì nếu được can thiệp sớm thì bệnh nhân không phải trải qua thời gian dài 25 năm chịu đựng sự nhầm lẫn giới tính đau khổ như vậy", bác sĩ Thạch phân tích. Ở đây nhiễm sắc thể là 46, XY, không phải là lưỡng tính hay rối loạn, mơ hồ giới tính mà chỉ là bệnh lý lỗ tiểu thấp hoàn toàn có thể khắc phục sớm.
Theo bác sĩ Thạch, đối với thể này phức tạp nên phẫu thuật gồm 2 bước. Nhung sẽ được phẫu thuật lần một trong thời gian tới nhằm dựng cho dương vật dựng thẳng lên, không cong nữa. 6 tháng sau làm bước thứ hai là chuyển lỗ tiểu từ dưới bìu đưa lên đỉnh dương vật. Sau mổ khả năng sinh sản sẽ như một người đàn ông bình thường. Do Bệnh viện Nhi đồng 2 là đơn vị được Bộ Y tế cho phép xác định lại giới tính nên bệnh nhân 25 tuổi sẽ được điều trị tại bệnh viện với sự hỗ trợ của niệu khoa người lớn. Sau khi được phẫu thuật xong, Nhung sẽ tiến hành xác định lại giới tính, giấy tờ... theo quy định.
Từ lúc tốt nghiệp lớp 12 đến giờ không thể xin được việc vì không ai nhận, mất ngủ triền miên, rụng tóc vì stress, chàng trai 25 tuổi bắt đầu nuôi những hy vọng tươi sáng cho tương lai sau cuộc mổ sắp tới. Khi chưa biết mình mang giới tính nam, Nhung tham gia sinh hoạt cộng đồng LGBT (đồng tính - song tính - chuyển giới) vì cứ nghĩ mình là người muốn chuyển giới. Một thời gian sau, Nhung cảm giác mình không hề phù hợp, hoang mang không biết bản thân là ai nên không tham dự nữa.
"Hồi cấp 2 mình từng thầm thích một bạn nữ cùng lớp rồi sau đó chôn chặt tình cảm, không thể hiện cảm xúc gì cho đến bây giờ", Nhung tự thú. Những cái tên "nam tính" nhất đang được Nhung bàn bạc lựa chọn cùng em gái để làm lại giấy tờ sau cuộc mổ "đồi đời".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.