Theo Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, đến tháng 12-2018 trên địa bàn thành phố chỉ còn 28 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông; trong đó có 14 điểm chuyển biến tốt, 7 điểm có chuyển biến phức tạp và 7 điểm không chuyển biến.
Những điểm diễn biến phức tạp trong năm 2017 đã giảm như nút giao Mỹ Thủy (quận 2), ngã sáu Công trường Dân Chủ (quận 3 và quận 10), giao lộ Phan Văn Trị-Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh), ngã tư Tây Hòa (quận 9 và quận Thủ Đức).
Các lối vào nhà ga Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bị ùn tắc nghiêm trọng. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN) |
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, cho biết năm 2019, thành phố sẽ tập trung triển khai bảy nhóm giải pháp nhằm kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông gồm hoàn thiện quy hoạch cơ chế chính sách và bộ máy quản lý nhà nước về giao thông đô thị; khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông; nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải hành khách và vận tải hàng hóa; quản lý nhu cầu giao thông cá nhân; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và công nghệ thông tin trong hoạt động xây dựng, quản lý khai thác, điều hành giao thông vận tải; đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Sở Giao thông Vận tải thành phố tập trung bố trí vốn đầu tư cho các dự án thực hiện chương trình đột phá, dự án trọng điểm giải quyết tình trạng ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, khu vực trung tâm thành phố, chống sạt lở bờ sông, kênh rạch...; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đưa ứng dụng công nghệ vào công tác kiểm tra, xử phạt các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè...
Điểm giao cắt đường Trần Quốc Hoàn và Phan Thúc Duyện thường xuyên có lưu lượng xe rất đông. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN) |
Về quản lý giao thông thủy nội địa, Sở tập trung kêu gọi đầu tư công trình nạo vét khai thông tuyến Rạch Chiếc-Trau Trảu và Ông Nhiêu để khai thông tuyến đường thủy kết nối từ cảng Cát Lái đến Khu công nghệ cao; đẩy mạnh phát triển loại hình vận tải hành khách, du lịch bằng đường thủy; cải tạo, nâng cấp và triển khai các dự án nạo vét khai thông các tuyến đường thủy quan trọng kết nối với hệ thống cảng biển, với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời khai thông những tuyến đường thủy mới để khai thác hiệu quả nhằm phát triển mạnh vận tải bằng đường thủy, nâng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển trên địa bàn thành phố.
Mặt khác, Sở Giao thông Vận tải thành phố tập trung các nguồn lực để phát triển vận tải hành khách công cộng, hệ thống bến bãi phục vụ vận tải nhằm thu hút người dân tham gia, đồng thời triển khai thực hiện các giải pháp để hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân; đầu tư phương tiện phục vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng đến năm 2020, bổ sung kinh phí ngân sách dự kiến hỗ trợ lãi vay và bố trí kinh phí trợ giá xe buýt giai đoạn 2018-2020.
Bên cạnh đó, Sở chú trọng nâng cao chất lượng công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân; phối hợp tốt với các cơ quan xử lý các vấn đề có liên quan đến giấy phép lái xe, rà soát các quy định về thời gian lái xe, tiêu chuẩn sức khỏe... của người lái xe để tham mưu các giải pháp tăng cường kiểm soát.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.