Các vấn đề an ninh phi truyền thống đã và đang diễn ra ngày càng gay gắt, tác động trực tiếp đến an ninh toàn cầu, khu vực và an ninh của từng quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Thành ủy Hà Nội vừa tổ chức, Thiếu tướng Đào Ngọc Dinh, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an (Bộ Công an) đã nhấn mạnh những giải pháp phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ, thách thức an ninh phi truyền thống trên địa bàn Hà Nội, đáp ứng yêu cầu xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Những nguy cơ, thách thức
Theo Thiếu tướng Đào Ngọc Dinh, những năm gần đây, với sự cộng hưởng của toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các vấn đề an ninh phi truyền thống (ANPTT), như: Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thảm họa thiên tai, di cư bất thường, dịch bệnh lây nhanh, khủng hoảng tài chính, xung đột tôn giáo, dân tộc, an ninh mạng, chủ nghĩa khủng bố… đã và đang diễn ra ngày càng gay gắt, tác động trực tiếp đến an ninh toàn cầu, khu vực và an ninh của từng quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Vì vậy, việc đối phó hiệu quả với các mối đe dọa an ninh quốc gia, nhất là ANPTT, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; phòng ngừa có hiệu quả các nguy cơ xung đột xã hội, không để xảy ra bạo loạn, khủng bố, hình thành tổ chức chính trị trong nước, bảo đảm an ninh trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là an ninh mạng… luôn được Đảng, Nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an nhân dân xác định là một nội dung quan trọng trong Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia.
“Thành phố Hà Nội với vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của đất nước; có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh nên cũng phải đối diện với nhiều thách thức an ninh, trật tự đan xen, trong đó nổi lên là các nguy cơ, thách thức về ANPTT, như: Xung đột xã hội; an ninh mạng; an ninh tài chính, tiền tệ; an ninh năng lượng; an ninh lương thực; an ninh môi trường; biến đổi khí hậu; an ninh y tế, dân số, dịch bệnh; tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố…”, Thiếu tướng Đào Ngọc Dinh nêu.
Những năm qua, nhận thức được tầm quan trọng của ANPTT, cũng như nhận diện rõ các nguy cơ, thách thức ANPTT đang hiện hữu trên địa bàn, Công an thành phố Hà Nội đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, lãnh đạo các cấp trên địa bàn thành phố triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, ứng phó có hiệu quả với các nguy cơ, thách thức ANPTT đặt ra.
Đặc biệt, Hà Nội đã chỉ đạo đơn vị chức năng xây dựng, triển khai quy trình, quy chế, phương án, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ, thách thức ANPTT trên địa bàn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế, môi trường, năng lượng, lương thực…; tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; nắm chắc tình hình trên không gian mạng và thực địa; quản lý chặt chẽ các hệ, loại đối tượng; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và các nguy cơ, thách thức ANPTT; phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực, phản động lợi dụng các sơ hở, thiếu sót để lôi kéo, kích động biểu tình, khủng bố, phá hoại…
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an cho rằng, đến nay, nhận thức của các sở, ban, ngành và cơ sở về ANPTT có lúc, có nơi còn hạn chế, biểu hiện thờ ơ, chủ quan, mất cảnh giác về an ninh môi trường, lương thực, năng lượng; một số đơn vị chức năng còn biểu hiện buông lỏng quản lý trên lĩnh vực kinh tế, xã hội, y tế, môi trường; công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành có nơi, có lúc chưa được chú trọng; hạ tầng cơ sở còn thiếu đồng bộ, chưa bảo đảm việc kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu; trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ cao, nhất là các trang thiết bị chuyên dụng còn thiếu.
6 nhóm giải pháp
Để góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ thách thức ANPTT trên địa bàn Hà Nội, đáp ứng yêu cầu xây dựng thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, Thiếu tướng Đào Ngọc Dinh đưa quan điểm, thời gian tới cần thực hiện tốt 6 nhóm giải pháp.
Một là, đẩy mạnh tuyền truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền các cấp, các lực lượng, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và tầng lớp nhân dân về những thách thức ANPTT; về đặc điểm, tính chất, nội dung, phạm vi ảnh hưởng; về sự cần thiết, nội dung, biện pháp, lực lượng, phương tiện để phòng ngừa, ứng phó với các thách thức ANPTT.
Bên cạnh đó, cần phát huy cơ hội từ việc ứng phó các nguy cơ đe dọa ANPTT, nhất là trong đổi mới mô hình phát triển, cơ cấu nền kinh tế và thúc đẩy nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tập trung phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Ngoài ra, gắn công tác thông tin, tuyên truyền đi vào chiều sâu, với từng nhóm đối tượng, phù hợp đặc điểm, đặc thù về kinh tế, văn hóa - xã hội.
Hai là, thường xuyên nắm tình hình, nghiên cứu, nhận diện, phân tích, dự báo chiến lược một cách có hệ thống và toàn diện về các thách thức ANPTT nổi lên trên địa bàn thành phố Hà Nội tác động lớn đến an ninh, ổn định và phát triển của thành phố trong tương lai; mức độ, tính chất tác động, nguyên nhân, điều kiện có thể làm gia tăng các nguy cơ đe dọa ANPTT; khả năng, điều kiện của hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan trong phòng ngừa, ứng phó với các thách thức ANPTT để từ đó có chủ trương, đối sách thích ứng tổng thể, chủ động đầu tư, bố trí lực lượng, phương tiện, biện pháp phòng ngừa, ứng phó kịp thời. Song song với đó, quan tâm dành nguồn vốn, đầu tư, thiết kế xây dựng các công trình, quy hoạch dự án bảo đảm chủ động ứng phó với các thách thức ANPTT, thiên tai gây sạt lở, mất đất canh tác..
Ba là, nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo, quản lý, điều hành của các Ban Chỉ đạo thành phố. Chú trọng đề xuất xây dựng, bổ sung các chính sách liên ngành trong quản trị rủi ro từ các thách thức ANPTT; các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý các vấn đề ANPTT, phòng, chống các nguy cơ đe dọa ANPTT.
Bốn là, tham gia đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng, ban hành Chiến lược tổng thể quốc gia phòng ngừa, ứng phó với các thách thức ANPTT trên cơ sở quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa nhận thức, tư duy mới về ANPTT bảo đảm tính đồng bộ, toàn diện, bao trùm. Từ thực tiễn ứng phó với các nguy cơ đe dọa ANPTT trên địa bàn thành phố Hà Nội, cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn để xây dựng, hoàn thiện Chiến lược tổng thể quốc gia ứng phó với thách thức ANPTT.
Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và nguồn lực triển khai Chiến lược ANPTT sau khi được ban hành (dự kiến tháng 12-2024); phát huy vai trò tiên phong, đi đầu của trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước, đồng thời gắn kết với nguồn lực, biện pháp của các địa phương lân cận và trong tổng thể của cả nước.
Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là thiết lập và thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác song phương, đa phương với Thủ đô, thành phố các nước, các tổ chức trên thế giới nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, thu hút các nguồn lực phục vụ phòng ngừa, ứng phó có hiệu quả với các nguy cơ, thách thức ANPTT trên địa bàn thành phố.
“Việc mở rộng quan hệ đối ngoại, đẩy mạnh hợp tác với thủ đô, thành phố các nước có điều kiện, đặc điểm, nguy cơ đe dọa ANPTT tương đồng, các tổ chức trên thế giới trong phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ, thách thức ANPTT, nhất là trên các lĩnh vực y tế, đào tạo, xử lý môi trường, giao thông, cung cấp thiết bị và phân loại rác, cấp thoát nước, xây dựng, quy hoạch… sẽ giúp Hà Nội nắm bắt được những cơ hội phát triển nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh và bền vững, đồng thời ứng phó hiệu quả với các thách thức ANPTT”, Thiếu tướng Đào Ngọc Dinh nhấn mạnh.
Sáu là, tiếp tục đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực có tác động, thách thức ANPTT thông qua chia sẻ dữ liệu. Cùng với đó, chủ động ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, nhất là các thành tựu của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư vào công tác ứng phó nguy cơ đe dọa ANPTT trên địa bàn thành phố, tập trung vào ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và tự động hóa quy trình…, góp phần củng cố sức mạnh tổng hợp của thành phố để chủ động ứng phó với các nguy cơ, thách thức ANPTT đang diễn biến ngày càng phức tạp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.