Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ Giao thông Vận tải vào chiều nay 10-7, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo nêu rõ các nguyên nhân và 6 nhóm giải pháp giải “bài toán” ùn tắc giao thông, nâng cao chất lượng vận tải công cộng.
Các nguyên nhân cơ bản gây ùn tắc
Theo Quy hoạch Giao thông Vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, diện tích đất giao thông/diện tích đất xây dựng đô thị phải đạt từ 20 - 26% cho đô thị trung tâm. Trong đó, tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh đạt 3 - 4%; tập trung ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, bảo đảm thị phần khu vực đô thị trung tâm đến năm 2030 đạt khoảng 50 - 55% tổng nhu cầu đi lại và sau năm 2030 đạt 60 – 70% tổng nhu cầu đi lại.
Thời gian qua, thành phố đã đầu tư, đưa vào khai thác nhiều công trình hạ tầng giao thông như: Vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng; hầm chui Lê Văn Lương, cầu vượt Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch…
Mạng lưới vận tải công cộng đa phương thức trên địa bàn thành phố đã được hình thành, gồm: Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đang được đầu tư xây dựng, 153 tuyến buýt, trong đó có 9 tuyến buýt điện và 10 tuyến sử dụng năng lượng sạch CNG.
Mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã, 512/579 xã, phường, thị trấn, kết nối 7 tỉnh, thành lân cận như: Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc… Tỷ lệ bao phủ của vận tải công cộng ghi nhận những tín hiệu tích cực.
Tuy nhiên, trong bối cảnh lượng phương tiện hoạt động trên địa bàn Thủ đô tăng mạnh, trong khi tỷ lệ đất dành cho giao thông còn thấp, tình trạng ùn tắc còn diễn biến tương đối phức tạp.
“Thống kê cho thấy, số lượng phương tiện ở Thủ đô hiện tại là hơn 7,9 triệu xe, bao gồm 1,1 triệu ô tô, 6,6 triệu xe máy... Tốc độ tăng trưởng bình quân của phương tiện giai đoạn 2019 - 2022 là trên 10%/năm đối với ô tô, trên 3%/năm đối với xe máy. Chưa kể, tham gia giao thông tại Hà Nội còn có 12 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành khách nhau. Trong khi đó, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới của Hà Nội mới đạt khoảng 10,3%, tỷ lệ tăng bình quân hàng năm mới đạt 0,26 - 0,3%/năm, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh đạt dưới 1%, tỷ lệ khách tham gia vận tải công cộng mới đạt 18,5%. Ùn tắc giao thông là khó tránh khỏi” – ông Trần Hữu Bảo phân tích.
6 nhóm giải pháp chủ yếu
Đứng trước thực trạng như vậy, thành phố Hà Nội đã và đang kiên trì thực hiện 6 nhóm giải pháp.
Thứ nhất, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó tập trung đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai, ưu tiên triển khai Vành đai 4 (khởi công ngày 25-6-2023) để mở rộng không gian phát triển của thành phố; các tuyến trục chính hướng tâm như Quốc lộ 1, Quốc lộ 6; trục Tây Thăng Long và các tuyến đường có tính kết nối, các cầu qua sông để tăng tính kết nối giao thông giữa các khu vực. Đây là giải pháp cơ bản, có tính bền vững.
Thứ hai, tăng cường duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo chất lượng, an toàn cho người và phương tiện. Tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phát huy tối đa năng lực hệ thống giao thông hiện có.
Thứ ba, phát triển đồng bộ các loại hình vận tải hành khách công cộng kết hợp mô hình TOD ( lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị); quản lý vận hành hiệu quả tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông và tiếp nhận, đưa vào vận hành tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội sau khi hoàn thành; tiếp tục phát triển và cải thiện mạng lưới tuyến buýt theo hướng cải thiện chất lượng, hiệu quả hướng tới mô hình tiên tiến, văn minh và thân thiện với môi trường.
Tích cực thực hiện các chương trình chuyển đổi xanh, từng bước đưa xe buýt sử dụng năng lượng sạch vào khai thác theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tiếp tục đổi mới và quản lý hiệu quả hạ tầng kỹ thuật phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, bảo đảm an toàn, thuận tiện cho hành khách tiếp cận dịch vụ và xe buýt vận hành. Tăng mức độ bao phủ của điểm dừng để khoảng 80% người dân có thể tiếp cận dịch vụ xe buýt trong phạm vi đi bộ hợp lý với cự ly dưới 500m. Đây là nhóm giải pháp quan trọng nhằm giảm phương tiện giao thông cá nhân.
Thứ tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông, ưu tiên triển khai hệ thống giao thông thông minh... Đây là nhóm giải pháp mang tính đột phá.
Thứ năm, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biển pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho người tham gia giao thông và xây dựng văn hóa giao thông… Đây là nhóm giải pháp căn bản và lâu dài để bảo đảm an toàn giao thông.
Thứ sáu, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm lĩnh vực giao thông vận tải. Đây là nhóm giải pháp thường xuyên, tích cực, góp phần nâng cao ý thức người tham gia giao thông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.