Theo dõi Báo Hànộimới trên

TP Hồ Chí Minh: Gỡ vướng trong cải cách hành chính

Nguyên Lê| 01/12/2017 07:09

(HNM) - 2017 là năm đầu tiên TP Hồ Chí Minh xây dựng đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn năm 2025. Để tạo nền tảng cho nhiệm vụ này, thành phố đã và đang thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, song vẫn còn nhiều vướng mắc khiến hiệu quả chưa như mong muốn.

Còn phải "gõ cửa" nhiều cơ quan

Năm 2017, TP Hồ Chí Minh có bước chuyển mạnh mẽ trong cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tuy nhiên, dù đã "mạnh tay" trong đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng người dân, doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn khi đến cơ quan công quyền, đặc biệt trong cấp phép đầu tư. Đơn cử, nhà đầu tư đăng ký làm thủ tục tại Sở Kế hoạch - Đầu tư, nhưng nếu dự án liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng... thì chủ dự án lại phải sang Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng... Dự án càng liên quan đến nhiều lĩnh vực khác, thì nhà đầu tư càng vất vả "xếp lịch" vì phải đến nhiều đơn vị xin ý kiến.

Người dân đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Hồ Chí Minh.


Theo các chuyên gia, hai năm gần đây, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại TP Hồ Chí Minh có nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, không ít dự án đầu tư bị vướng thủ tục xin phép, xin ý kiến nhiều cơ quan liên quan, khiến thời gian giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư bị kéo dài.

Từ đầu năm đến nay, TP Hồ Chí Minh đã tăng cường giải quyết các thủ tục hành chính qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Nhiều quận, huyện, sở, ngành đã áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (nộp hồ sơ qua mạng, chờ đến nộp lệ phí trực tiếp và nhận kết quả), mức độ 4 (nộp hồ sơ qua mạng, thanh toán trực tuyến và nhận kết quả tại nhà) ở nhiều lĩnh vực như cấp phép xây dựng, giấy phép kinh doanh, an toàn thực phẩm, lao động - tiền lương… Tuy nhiên, thực tế khi làm hồ sơ xin giấy phép xây dựng, bộ phận tiếp nhận ở các quận, huyện vẫn yêu cầu người dân mang bản vẽ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến nộp trực tiếp. Như vậy, chỉ riêng lĩnh vực nhà, đất, TP Hồ Chí Minh vẫn chưa thể áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Theo Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh, đến nay, số thủ tục hành chính được giải quyết theo mức độ 3 chỉ chiếm gần 19%, mức độ 4 chỉ chiếm 2,25%. Đây là con số khá thấp so với yêu cầu đặt ra.

Đưa về một đầu mối

Theo các chuyên gia, việc người dân, doanh nghiệp khi làm thủ tục giải quyết một loại hồ sơ mà phải "gõ cửa" nhiều cơ quan, đơn vị cho thấy việc cải cách thủ tục hành chính tại TP Hồ Chí Minh còn mang tính "nửa mùa". Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena cho rằng, ở TP Hồ Chí Minh, người dân và doanh nghiệp chưa thấy bóng dáng của chính quyền điện tử tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ, trong khi đây mới chính là nút thắt. Theo ông Võ Đỗ Thắng, việc ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính hiện chỉ hỗ trợ chính quyền quản lý, còn nhu cầu người dân chưa được quan tâm đúng mức. Theo luật sư Hà Hải, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, việc đầu tiên TP Hồ Chí Minh cần làm nếu muốn tinh gọn thủ tục là thay đổi nhiều hơn nữa nhận thức của người thực thi công vụ. "Từ những bài học gần đây, cơ quan nhà nước cần cẩn trọng trong tuyển dụng, cất nhắc và sửa đổi quy trình bổ nhiệm theo hướng chú trọng năng lực", luật sư Hà Hải nhấn mạnh.

Nhằm tháo gỡ những nút thắt trên, UBND TP Hồ Chí Minh đang gấp rút hoàn thiện quy chế, đẩy nhanh việc thành lập tổ công tác liên ngành về đầu tư và tổ công tác liên ngành về xây dựng. Đối với các sở, ngành, thành phố yêu cầu phải tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, thiết lập "một cửa" để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ liên quan đến lĩnh vực của mình. Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, với mô hình tổ công tác liên ngành này, sau khi tổ công tác thụ lý hồ sơ sẽ tự liên hệ với các sở, ngành liên quan để hoàn chỉnh hồ sơ. Khi tổ công tác hoạt động, việc tiếp nhận giải quyết hồ sơ do tổ này phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết, người dân và doanh nghiệp sẽ không phải mang hồ sơ đến nhiều sở, ngành làm thủ tục như lâu nay.

Đối với công tác vận hành dịch vụ công trực tuyến, nhằm đưa hệ thống này hoạt động hiệu quả, khắc phục những hạn chế, đáp ứng nhu cầu nhanh, gọn thủ tục hành chính, TP Hồ Chí Minh đôn đốc các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh triển khai dịch vụ công mức độ 3 và 4. Song song đó, mở rộng kết nối hệ thống "một cửa" điện tử thành phố với hệ thống "một cửa" liên thông của các sở, ngành, địa phương. Ông Trần Vĩnh Tuyến cũng chỉ đạo các quận, huyện phải tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp; đồng thời, yêu cầu Sở Nội vụ dự thảo trình UBND thành phố đề nghị HĐND thành phố xem xét giảm, thậm chí miễn lệ phí khi giải quyết hồ sơ hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt ở mức độ 4.

Để chuẩn hóa thủ tục hành chính, tiến tới xây dựng nền hành chính công hiện đại, TP Hồ Chí Minh cần có giải pháp đột phá hơn nữa, trong đó phải xây dựng nguồn lực từ con người, công nghệ đến hoàn thiện hệ thống bộ máy hành chính tinh gọn, triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Gỡ vướng trong cải cách hành chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.