Theo dõi Báo Hànộimới trên

TP HCM sẽ kiểm soát chặt tình trạng nghệ sĩ trang phục phản cảm

Theo Vnexpress| 26/08/2011 06:10

Ông Võ Trọng Nam, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch TP HCM cho biết, việc Minh Hằng mặc thiếu thẩm mỹ, Tiến Đoàn chụp ảnh sexy đều đáng phê phán. Sở đã góp ý nhiều giải pháp cho Dự thảo nghị định về nghệ thuật biểu diễn, do Cục Nghệ thuật Biểu diễn trình chính phủ tháng 9.


- Ở góc độ nhà quản lý, ông nhận xét như thế nào về hiện trạng ca sĩ ăn mặc phản cảm trên sân khấu thời gian qua?

- Tôi lo lắng khi xu hướng ăn mặc phản cảm, đầu tóc quái dị của ca sĩ ngày càng nở rộ. Tài năng chưa chín muồi lại đua theo mốt nên họ phải quần áo thế này thế kia để tạo scandal, trang phục không ra làm sao cả... Đây không chỉ đơn thuần là cảm quan của người nghệ sĩ mà bộc lộ nhiều khiếm khuyết trong thái độ, trách nhiệm của nghệ sĩ với công chúng.

- Sở Văn hóa Thể thao Du lịch TP HCM từng nhiều lần xử phạt các vi phạm của nghệ sĩ, nhưng vì sao tình hình không cải thiện?

- Trong thời gian dài, chúng tôi đã nghiêm túc theo dõi, xử lý các vi phạm về biểu diễn nói chung và vấn đề ăn mặc hở hang của nghệ sĩ. Thậm chí là xử lý nặng. Hầu như các trường hợp bị nêu trên báo chúng tôi đều xử lý trực tiếp, như trường hợp Hồ Quỳnh Hương, Bebe Phạm, Hà Anh...

Ông Võ Trọng Nam, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP HCM.


Nhưng TP HCM là thành phố đông dân, rất nhiều địa diểm biểu diễn. Những chương trình thời trang, ca múa nhạc và nhiều sô diễn tại chỗ của thành phố chiếm tỷ lệ 60-80% của cả nước với hoạt động ngày càng nở rộ, đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng tăng của người dân. Trong khi đó, luật doanh nghiệp mở, các quy định vể vấn đề biểu diễn càng ngày càng mở, các nhà hàng khách sạn, quán cà phê, giải khát lại cũng được phép biểu diễn hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Cho nên, quản lý rất vất vả.

Đa số chương trình biểu diễn lớn của TP HCM đều được tổ chức rất đàng hoàng. Những trường hợp vi phạm là do: khi duyệt chương trình thường không xảy ra vấn đề gì, khi biểu diễn thực tế lại nảy sinh chệch choạc.

Hiện nay luật của ta cũng chưa quy định cái quần ngắn cỡ nào, cái áo hở cỡ nào thì không được lên sân khấu. Quy chế biểu diễn 47 và Nghị định 103 hiện nay còn hết sức chung chung. Không lẽ lại cầm thước đi đo trang phục nghệ sĩ.

- Có thể do mức phạt hành chính hiện nay còn quá thấp nên chưa có tác dụng răn đe. Ông nghĩ sao?

- Tôi không nghĩ vậy. Mức phạt hiện nay là thích đáng. 10 triệu, 15 triệu, 20 triệu đồng là đáng. Ai bị phạt liên tục cũng sẽ không chịu nổi. Tôi nghĩ vấn đề ở đây không phải là tiền phạt cao hay thấp mà quan trọng ở các chế tài kèm theo. Nếu họ vi phạm 1-2 lần rồi mà đến lần thứ 3 vẫn vi phạm thì chắc chắn sẽ bị cấm biểu diễn, tùy theo mức độ là cấm 3-6-12 tháng.

- Sở có những giải pháp cụ thể nào trong thời gian sắp tới để hạn chế hiện trạng này?

- Cần phải xét lại công tác quản lý nhà nước thế nào, tập trung vào duyệt chương trình, làm tốt khâu hậu kiểm. Chúng tôi đang cố gắng để có những quy định cụ thể hơn về vấn đề biểu diễn. Cái gì thuộc về phạm trù đạo đức thì đòi hỏi khác, còn cái nào thuộc về phạm trù theo luật định thì phải khác.

Ngoài ra, nhà nước không thể lúc nào cũng chạy theo quản lý, mà vấn đề là chính người nghệ sĩ phải có trách nhiệm trước công chúng, từ đó nâng tầm mình lên để có mỹ quan tốt. 


Bên cạnh đó, công chúng cũng giữ vai trò rất quan trọng. Công chúng nên lên án, tẩy chay, không ủng hộ những nghệ sĩ có thái độ, trang phục phản cảm...

Cuối cùng, vai trò quan sát của báo chí là quan trọng. Tôi thấy báo chí tạo ra diễn đàn trên mạng tốt về hiện trạng này. Khán giả có chỗ để lên tiếng xem họ đồng ý hay phản đối hành vi của nghệ sĩ. Có được như vậy, cùng với sự chấn chỉnh quản lý nhà nước sẽ tác động ngược trở lại, giúp nghệ sĩ xây dựng hình ảnh tốt hơn.

- Sở kỳ vọng gì vào Dự thảo nghị định về quy chế nghệ thuật biểu diễn mà Cục nghệ thuật biểu diễn đang soạn thảo trình chính phủ vào tháng 9 tới?

- Sở đã cố gắng góp ý một cách chi tiết nhất cho Dự thảo nghị định nghệ thuật biểu diễn này. Chúng tôi góp ý ở rất nhiều lĩnh vực chứ không chỉ có trang phục biểu diễn, như chuyện hát nhép, thẩm định chất lượng ca khúc ra sao, quy định hình thức biểu diễn thế nào, tiền thanh toán bản quyền, trả tác quyền nghệ sĩ ra sao, quy trình cấp phép, quản lý nội dung chương trình...

Tôi hy vọng qua nhiều lần góp ý, các văn bản quy phạm luật sắp tới sẽ ngày càng rõ ràng và chi tiết hơn. Chúng tôi cũng mong muốn nghị định về biểu diễn sẽ trở thành luật biểu diễn. Vì khi đã thành luật thì giá trị pháp lý cao hơn và áp dụng thời gian dài hơn, chứ như hiện nay các nghị định của chúng ta đưa ra thời gian sau một thời gian lại bị bãi bỏ để thay bằng nghị định khác.

Tuy vậy, ngoài vấn đề luật, người quản lý cũng phải nhận thấy rằng vấn đề quy định trang phục biểu diễn có cái chi tiết được cũng có cái không chi tiết được. Ngay cả thế nào gọi là phản cảm và không phản cảm đã là một vấn đề vì còn tùy theo mỹ quan từng người. Cũng phải "trừ hao" cho nghệ sĩ ở chỗ, đôi khi họ bị tai nạn nghề nghiệp.

- Không chỉ mặc phản cảm, hiện nay nhiều nghệ sĩ còn chụp ảnh khỏa thân, gợi cảm quá mức rồi tung lên mạng, hoặc nghệ sĩ làm sô quảng cáo chụp ảnh sexy ở nước ngoài như người mẫu Tiến Đoàn gần đây. Theo ông, đâu là hướng giải quyết?

- Chúng tôi đang xem xét trường hợp của Tiến Đoàn. Có những trường hợp dù anh hoạt động theo lời mời ở nước ngoài, nhưng là công dân Việt Nam thì khi trở về nước anh vẫn có thể bị xử phạt theo quy định. Còn trong những trường hợp chưa thể nào áp dụng luật được thì công chúng, ngôn luận báo chí sẽ có phản ứng về hành vi của anh.

Tôi hứa với báo chí là nếu báo chí cung cấp cho Sở đầy đủ, rõ ràng trường hợp nào phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, chúng tôi sẽ xử lý theo từng tình huống, chứ không nhất thiết là xử lý trước hoặc lúc đang diễn ra. Ngay cả người dân cũng có thể cung cấp thông tin cho Sở để chúng tôi có căn cứ xem xét, xử phạt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
TP HCM sẽ kiểm soát chặt tình trạng nghệ sĩ trang phục phản cảm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.