(HNMO) - Ngày 8-4, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học bàn về các giải pháp giảm ngập nước, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Tình trạng ngập tại TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có xu hướng giảm. |
Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố chỉ mới nạo vét được hơn 60km/gần 5.100km hệ thống sông, kênh, rạch (chiếm hơn 1,1%). Trong khi, tình trạng bồi lắng, tắc nghẽn dòng chảy, cửa xả làm hạn chế khả năng thoát nước… ngày càng diễn ra nghiêm trọng. Bên cạnh các nguyên nhân do biến đổi khí hậu, triều cường ngày càng dâng cao, khiến cho tình hình ngập nước trên địa bàn thành phố diễn ra phức tạp.
Mặt khác, công tác dự báo chưa lường hết được biển đổi khí hậu, thông số thiết kế theo quy hoạch không còn phù hợp với tình hình thực tế, dẫn đến một số tuyến cống dù mới được đầu tư trong thời gian qua cũng đã trở nên quá tải.
Cũng theo các chuyên gia, các nhà khoa học, từ năm 2010 đến nay, tại khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh số điểm ngập có giảm nhưng lại tăng ở khu vực ngoại thành với số điểm phát sinh khoảng 30 điểm.
Từ đó, các nhà khoa học, chuyên gia cho rằng, tình trạng san lấp mặt bằng, đô thị hóa các vùng đất tự nhiên thấp trũng đã làm giảm tính hiệu quả của chức năng điều tiết triều tự nhiên các vùng đất ngập nước ven sông, kênh, rạch. Hệ quả là gây khó khăn cho việc thoát nước, gây ngập úng cục bộ.
Đi tìm lời giải cho bài toán chống ngập, các ý kiến đều cho rằng, ngoài việc xây hồ điều tiết chống ngập, các công trình thủy lợi, van ngăn triều, cống kiểm soát triều… thì cần sự phối hợp với các vùng lân cận TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là khu vực thượng nguồn của triều như Long An và Đồng Nai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.