Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tốt cho ai?

Tú Khôi| 15/04/2012 06:16

(HNM) - Bao giờ cũng vậy, mỗi khi muốn con làm gì đó phụ huynh thường nói: - Bố mẹ chỉ muốn tốt cho con! Bố mẹ nào cũng rất muốn tốt cho con. Nhưng đôi khi họ quên rằng điều họ nghĩ thực tế có tốt cho con không? Con họ có cần điều đó không?

Trong xã hội cũng xảy ra điều tương tự. Biểu hiện rõ nhất là trong ngành giáo dục, ngành được toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Đầu tiên là các cháu mẫu giáo cũng phải được nghỉ hè. Tại sao ngay cả các anh chị đại học lớn vậy còn được nghỉ hè mà các cháu lại phải đến lớp quanh năm? Nghỉ hè là cần thiết cho các cháu, để được về quê, đi nghỉ dưỡng, ở nhà vui chơi với ông bà. Những năm gần đây là lớp dự bị thi vào lớp 1. Xã hội ngày một tiến nhanh nên khi vào lớp 1, các cháu cần được chuẩn bị trước cho theo kịp các bạn. Nhưng thực tế đằng sau những "muốn tốt" ấy là gì?

Có lẽ cũng vì "muốn tốt" mà tỉnh Vĩnh Phúc chủ trương "phân luồng" cho học sinh: Học sinh lớp 12 sẽ không được nhận hồ sơ đăng ký dự thi đại học nếu học lực kém. Thế nào là một học sinh kém? Đó là học sinh qua 4 kỳ thi khảo sát với độ khó chừng 80-90% đề thi đại học, mà điểm trung bình dưới 10 và học lực thực tế yếu; những em đó được khuyên nên thi cao đẳng hay học nghề thì phù hợp hơn chứ không bắt buộc. Tỉnh chủ trương phân luồng vì rất thiếu lao động cho các khu công nghiệp và lại thừa cử nhân, kỹ sư thất nghiệp. Chủ trương đó, theo lãnh đạo ngành giáo dục của tỉnh, là vì quyền lợi của phụ huynh và học sinh: Định hướng tốt tạo tiền đề các em có nghề phù hợp, có thu nhập nhanh và gia đình đỡ tốn kém.

Mặc dù lãnh đạo ngành giáo dục và các trường khẳng định như vậy nhưng phụ huynh và học sinh lại có ý kiến khác. Họ nói rằng khi được khuyên không nên thi đại học là hết cơ hội nộp đơn; rằng đến cả bằng đại học còn khó tìm việc thì bằng cao đẳng, trung cấp ai sẽ quan tâm? Vả lại, có luật nào, quyết định nào của Nhà nước, của Bộ Giáo dục và Đào tạo cấm học sinh kém thi đại học không? Chủ trương như vậy có hợp pháp không?...

Nếu nhìn nhận một cách tỉnh táo sẽ thấy xuất phát điểm của chủ trương đó là hợp lý; nó có nền tảng thực tế; nếu thực hiện được nó không chỉ tạo dựng nền tảng cho một phương thức định hướng giáo dục nghề mới, nó còn làm thay đổi nhận thức, quan niệm của học sinh và phụ huynh, của xã hội về bằng cấp và nghề nghiệp; nó giúp tiết kiệm được nhiều tiền của cho nông dân và người lao động vì bớt gánh nặng kinh phí đại học.

Nhưng ý muốn tốt chưa đủ để người ta chấp nhận nếu dùng mệnh lệnh hành chính, biện pháp áp đặt. Chủ trương tốt cần kế hoạch triển khai cụ thể, rõ ràng; cơ sở vật chất cần thiết; phương pháp thực hiện phù hợp; thời gian chuẩn bị và cuối cùng là thuyết phục để mọi người nhận thấy lợi ích thiết thực mới có thể đạt hiệu quả như mong muốn. Còn nóng vội, "giục tốc", chắc chắn sẽ "bất đạt".

Không một chủ trương, biện pháp nào được đưa ra mà không dựa trên nguyên tắc "muốn tốt". Vấn đề là "tốt" ấy thực sự là cho ai? Thực tâm vì ai? Nếu thực sự, thực tâm, tự khắc sẽ được hiểu, được chấp nhận và sẽ thành công. Còn không thì ngay cả bố mẹ "muốn tốt" cho con con cũng không chấp nhận. Trong xã hội, tình hình tất nhiên phức tạp hơn nhiều.

Trước khi "muốn tốt" cần khẳng định rõ ràng "tốt cho ai"!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tốt cho ai?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.