Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tổng đàn lợn cả nước tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2020

Ngọc Quỳnh| 26/04/2021 13:16

(HNMO) - Ngày 26-4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp phát triển chăn nuôi và thủy sản trong tình hình mới.

Ngành chăn nuôi phát triển ổn định.

Theo Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương, đến hết quý I-2021, tổng đàn lợn cả nước tăng khoảng 11,6% so với cùng kỳ năm 2020; sản lượng lợn hơi xuất chuồng đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó, tại 16 doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi lợn lớn, đàn lợn thịt đạt 5,5 triệu con, tăng 73,6% so với trước khi xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi, tăng 1,8% so với cuối tháng 12-2020).

Đến nay, tổng đàn lợn nái của cả nước đạt hơn 2,95 triệu con, tăng hơn 18,8% so với cùng kỳ năm 2020. Hiện nay, cả nước có hơn 56.000 con lợn đực giống, đủ để sản xuất tinh và phối giống cho tổng đàn nái phục vụ giống cho sản xuất. Tổng đàn gia cầm khoảng 500 triệu con; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt khoảng 420.000 tấn, tăng 5,2%; trứng ước đạt 4,3 tỷ quả, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Về phát triển thủy sản, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản quý I-2021 ước đạt 570.000 tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2021, diện tích nuôi trồng thủy sản giữ ổn định 1,3 triệu ha, sản lượng nuôi trồng đạt 4,75 triệu tấn (bằng 104,2% năm 2020), trong đó, sản lượng cá tra 1,55 triệu tấn; tôm các loại 980.000 tấn, ngoài ra còn các thủy sản nuôi khác như rô phi, cá biển...

Tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng, hiện nay diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, nhất là bệnh Dịch tả lợn châu Phi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại và các bệnh mới nổi như viêm da nổi cục ở trâu, bò... gây tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng đến quá trình hồi phục, tăng trưởng chăn nuôi.

Vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt, diễn biến thời tiết phức tạp, thất thường, hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt, kéo dài ở Đồng bằng sông Cửu Long làm cho thủy sản dễ bị bệnh, tỷ lệ hao hụt lớn, ảnh hưởng sản xuất nuôi trồng thủy sản...

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, từ nay đến cuối năm, ngành chăn nuôi và thủy sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, để cung cấp đủ nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu, đối với chăn nuôi, cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia ngành chăn nuôi, mã định danh quốc gia cho các cơ sở chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo chuỗi và hướng dẫn các địa phương triển khai thi hành Luật Chăn nuôi trên phạm vi toàn ngành.

Các địa phương cần có chính sách về lãi suất tiền vay, chính sách về đất đai cho người chăn nuôi duy trì phát triển theo chu kỳ sản xuất. 

Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp đồng bộ kiểm soát chất lượng và giá thức ăn chăn nuôi, thủy sản giúp cho người nuôi ổn định sản xuất. Đối với thủy sản, tiếp tục quản lý chặt chẽ chất lượng giống, vật tư thủy sản.

Đồng thời, tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi, giúp thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn để nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tổng đàn lợn cả nước tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2020

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.