Giá trị của công ty mẹ - Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam, doanh nghiệp chủ đầu tư dự án sân bay Long Thành (giai đoạn tiền khả thi) vừa được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt giá trị hơn 37.900 tỷ đồng.
Theo quyết định vừa bộ chủ quản phê duyệt, giá trị thực tế của công ty mẹ - Tổng Công ty Cảng Hàng không (ACV) tính đến 30/6/2014 là 37.919 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế vốn Nhà nước tại đây là 20.769 tỷ.
Giá trị phần vốn Nhà nước tại công ty mẹ không bao gồm giá trị các tài sản tại khu phục vụ cho hoạt động bay. Ngoài ra, khoản nợ khó đòi tại Công ty cho thuê tài chính II (Ngân hàng Agribank) cũng không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.
Phê duyệt giá trị doanh nghiệp sẽ là bước then chốt để ACV tiến tới cổ phần hóa trong năm nay theo đúng lộ trình. Sau cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ 75% vốn và bán ra ngoài 25%.
Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, nơi đóng góp doanh thu chính cho ACV. |
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và ACV từng nhiều lần cho biết, số tiền bán cổ phần sẽ được dùng làm vốn đối ứng trong dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang xin Quốc hội chủ trương đầu tư, với chi phí giai đoạn một lên đến 164.000 tỷ đồng.
ACV được thành lập năm 2012 trên cơ sở hợp nhất ba Tổng Công ty Cảng Hàng không miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Đây là một trong những doanh nghiệp có quy mô vốn lớn nhất trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.
ACV hiện có vốn điều lệ xấp xỉ 14.700 tỷ đồng. Doanh nghiệp này hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con với 24 đơn vị hạch toán phụ thuộc, quản lý kinh doanh tại 22 cảng hàng không quốc tế và nội địa tại Việt Nam.
Theo công bố của ACV, doanh thu năm 2014 ước đạt 8.571 tỷ đồng, tăng 0,86% so với năm trước.
Dù doanh thu liên tục tăng, song lợi nhuận trước thuế năm 2014 của Tổng công ty là 1.256 tỷ đồng, chỉ bằng 92,3% so với năm 2013.
Năm 2014, ACV tiến hành cổ phần hóa hai công ty con là Công ty TNHH một thành viên dịch vụ Hàng không Tân Sơn Nhất (SASCO) và Công ty Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS). Cả hai doanh nghiệp này đều lập kỷ lục về sự quan tâm của các nhà đầu tư tới phần vốn Nhà nước bán ra, như SAGS lập kỷ lục cao nhất với số lượng đặt mua gấp 15 lần số lượng chào bán và giá trúng đấu giá gấp 3,6 lần giá khởi điểm. Dự kiến các đơn vị này sẽ thực hiện chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần trong quý I/2015.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.