Vấn đề điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động được các đại biểu quan tâm và đặt câu hỏi chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong sáng nay 11-11.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Hồng Nguyên (Đoàn Bình Thuận) về vấn đề nợ xấu tăng cao, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, thời gian qua, nợ xấu có xu hướng tăng cao. Tính đến cuối tháng 9-2024, tỷ lệ nợ xấu ở mức 4,55%, gần bằng mức cuối năm 2023 và tăng so với năm 2022.
Nguyên nhân là do dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, xã hội. Doanh nghiệp và người dân khó khăn, giảm nguồn thu, dẫn đến việc trả nợ khó khăn hơn.
Để kiểm soát nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước đề ra một số giải pháp. Trong đó, các tổ chức tín dụng phải thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng về khả năng trả nợ, kiểm soát nợ xấu mới phát sinh. Đối với nợ xấu hiện hữu, tổ chức tín dụng tích cực xử lý thông qua đôn đốc khách hàng trả nợ, thu nợ, phát mại tài sản bảo đảm. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có khuôn khổ pháp lý đối với các công ty mua bán nợ tham gia xử lý nợ xấu.
Nếu nợ xấu tăng cao, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vừa giảm mặt bằng lãi suất cho vay, vừa chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân. Trong giai đoạn nền kinh tế còn khó khăn, hệ thống các tổ chức tín dụng đã dành nguồn lực để giảm lãi suất cho khách hàng.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn Bắc Giang) về việc phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa để đạt mục tiêu tăng trưởng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ là phải góp phần ổn định giá trị đồng tiền, biểu hiện qua chỉ tiêu lạm phát.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế cũng là một định hướng về tăng trưởng tín dụng mà tùy theo tình hình thực tế, Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều chỉnh.
Làm rõ hơn về chính sách tiền tệ, trả lời câu hỏi của đại biểu Hồ Thị Minh (Đoàn Quảng Trị), Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, mục tiêu điều hành của Ngân hàng Nhà nước là vừa góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Trong đó, an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng là vấn đề cần được đặt lên trên hết. Nếu hệ thống các tổ chức tín dụng gặp rủi ro, hệ lụy đối với nền kinh tế rất lớn. Do vậy, căn cứ vào diễn biến thực tế và trong nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng hạn mức tín dụng.
Thực tế, vốn cho nền kinh tế dựa vào hệ thống ngân hàng rất nhiều, nên có giai đoạn, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống bình quân trên 30%; có năm tăng lên đến hơn 50%, dẫn đến rủi ro đối với hệ thống ngân hàng, nhất là những ngân hàng yếu kém huy động vốn ngắn hạn nhưng lại cho vay trung và dài hạn.
“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã áp dụng hạn mức tín dụng để điều hành. Khi phân bổ và thông báo hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đều đánh giá trên cơ sở xếp hạng các tổ chức tín dụng, cũng như khả năng mở rộng tín dụng. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên giám sát và cảnh báo những tổ chức tín dụng tăng trưởng cao và tiềm ẩn rủi ro”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm.
Về câu hỏi có nên tiếp tục giảm lãi suất hay có chính sách thay đổi dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá của đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn Hải Dương), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc tiếp tục giảm lãi suất hay không hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến kinh tế thế giới, trong nước, đặc biệt là diễn biến về thanh khoản, tình trạng của hệ thống ngân hàng.
“Thời gian qua, mặt bằng lãi suất giảm khá nhiều, do vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi để điều hành…”, bà Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Trả lời đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) về khả năng tự chủ chính sách tiền tệ trong dài hạn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, do đó, các dòng thương mại, đầu tư luân chuyển nhanh, mạnh.
Các dòng vốn ngắn hạn có thể tức thời đảo chiều, dòng vốn trung, dài hạn thì khó đảo chiều hơn. Vì thế, điều hành chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối mặt với áp lực lớn…
Để chuẩn bị sớm, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành đã tăng cường năng lực phân tích, dự báo. Tuy nhiên, với những diễn biến khó lường, phức tạp của kinh tế thế giới, việc dự báo cũng rất khó khăn.
Quan trọng hơn, chính sách tiền tệ chỉ là một trong các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, thường được sử dụng để giải quyết các vấn đề ngắn hạn, nên rất cần phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, để xác định được mức độ, liều lượng phù hợp của từng chính sách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.