Chiều 8/5, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - đại biểu Quốc hội khóa XIII và các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội tiếp xúc cử tri để lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 9 sắp khai mạc tại Hà Nội.
Đại diện đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đã báo cáo với cử tri dự kiến chương trình kỳ họp thứ 9 và thông báo một số kết quả giải quyết kiến nghị mà cử tri đã nêu từ cuộc tiếp xúc cử tri của kỳ họp trước đến nay.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII khai mạc vào ngày 20/5 tới, với khối lượng công việc nhiều, dự kiến thông qua 10 luật, 1 nghị quyết; cho ý kiến 14 luật khác, trong đó có những luật quan trọng liên quan tới tổ chức chính phủ, tổ chức chính quyền địa phương, các Bộ luật về lĩnh vực dân sự, hình sự cùng một số giám sát chuyên đề
Cử tri bày tỏ sự quan tâm tới nhiều nội dung của kỳ họp thứ 9 như vấn đề tổ chức chính quyền địa phương; sửa đổi Luật Thống kê; Luật Ban hành văn bản pháp luật, Luật Hàng hải.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: TTXVN |
Cử tri Chử Bá Điều (phường Hàng Trống) đề nghị việc sửa đổi Luật Thống kê phải có tính phù hợp, kịp thời, chặt chẽ và quan trọng nhất là phải minh bạch, chính xác.
Lấy câu chuyện tiêu thụ dưa hấu và hành tím vừa qua gặp rất nhiều khó khăn, cử tri Phạm Văn Cầu (phường Phan Chu Trinh) cho rằng nông dân đang mong đợi có một chính sách mới tương tự như khoán 10 để nông nghiệp, nông thôn bứt phá đi lên; mong rằng Đảng, Nhà nước nghiên cứu ban hành chính sách, đồng bộ, trọng tâm về cơ sở hạ tầng để nơi nào cũng có đủ giống cây trồng, vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng trừ sâu bệnh và công nghệ bảo quản sau thu hoạch để nâng cao thu nhập ổn định cho nông dân.
Phát biểu với cử tri quận Hoàn Kiếm, thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp thu và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm cử tri đã đi “trúng” vào những vấn đề lớn của đất nước, hoạt động giám sát của Quốc hội và những nội dung của kỳ họp thứ 9 sắp tới. Nhiều ý kiến rất chuyên sâu, thiết thực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong rằng chất lượng các kỳ tiếp xúc cử tri tiếp tục được nâng lên với nhiều ý kiến đóng góp xuất phát từ thực tiễn cuộc sống để các nội dung của Quốc hội gần dân, thiết thực với nhân dân.
Làm được như thế thì Quốc hội mới thực sự là người đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân.
Trước ý kiến của cử tri về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Đây là vấn đề khó, được bàn nhiều lần với tinh thần thận trọng, đã thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường ở một số địa phương.
Hiến pháp quy định chính quyền địa phương tổ chức theo luật chính là để tiếp tục nghiên cứu, tổng kết và kỳ họp thứ 9 sẽ thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Việc tổ chức chính quyền địa phương phải tuân thủ theo những nguyên tắc cơ bản. Đó là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Ở đâu có chính quyền ở đó phải có nhân dân giám sát.
Để đạt được điều này thì Đảng cũng phải đổi mới phương thức lãnh đạo; Ủy ban nhân dân cũng phải đổi mới tổ chức bộ máy và phương thức lãnh đạo. Đặc biệt là chất lượng đại biểu, cán bộ Hội đồng nhân dân phải cao lên, tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân làm tốt vai trò của mình.
Đại biểu phải có đủ trình độ, năng lực, bản lĩnh thì mới có thể giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương.
Tổng Bí thư cho rằng nói Hội đồng nhân dân hoạt động hình thức thì có phải là vì việc tổ chức Hội đồng nhân dân là hình thức không, hay vì chúng ta tổ chức không tốt, không tạo điều kiện cho Hội đồng nhân dân phát huy quyền lực của mình. Tổng Bí thư nhấn mạnh “Chỗ này rất đáng suy nghĩ”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đồng tình với những ý kiến của cử tri cho rằng chúng ta đã có nhiều luật nhưng việc đưa luật vào cuộc sống chưa đạt yêu cầu; nhiều người vi phạm vì chưa hiểu luật, cứ tưởng mình làm đúng nhưng thực tế không phải như vậy. Do đó phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật./.
Vũ Duy/VOV
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.