Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm

Hiền Thu| 13/05/2018 14:20

(HNMO) - Sáng 13-5, tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1 đã tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm (Hà Nội).

à Nội). 


Tham dự buổi tiếp xúc cử tri có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai…


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN


Cả xã hội đồng lòng chống tham nhũng


Thay mặt các đại biểu Quốc hội, đại biểu Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thiếu tướng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô đã báo cáo cử tri chương trình dự kiến kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV. Theo đó, kỳ họp thứ năm sẽ xem xét thông qua 7 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến vào 9 dự án luật.

Tiếp đó, đại biểu Quốc hội Trần Thị Phương Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội báo cáo trả lời kiến nghị cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và UBND TP Hà Nội.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm quan tâm nhiều đến công tác phòng chống tham nhũng, an toàn vệ sinh thực phẩm và đóng góp ý kiến vào một số luật. Bày tỏ tin tưởng, đánh giá cao những kết quả đạt được của đất nước, song cử tri Trần Viết Hoàn (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) còn băn khoăn vì trong các vụ án lớn bị xử lý, có nhiều vụ xảy ra từ nhiều năm trước, có cá nhân vi phạm vẫn được thăng tiến. Cử tri đặt câu hỏi: Liệu có phải do buông lỏng công tác kiểm tra, thanh tra và có người “chống lưng”?, đồng thời mong muốn Đảng, Nhà nước đẩy mạnh quyết tâm chống tham nhũng hơn nữa.

Theo cử tri Nguyễn Duy Niên, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, dư luận nhân dân phấn khởi, đồng tình, đánh giá cao kết quả phòng, chống tham nhũng thời gian qua. Điều đó giúp cử tri tin tưởng rằng, quyết tâm đã trở thành hành động cụ thể, đúng với tinh thần như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Lò đã nóng, không ai đứng ngoài cuộc. Cử tri mong muốn tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa, xử lý kịp thời, nghiêm minh, làm trong sạch bộ máy và thu hồi tài sản thất thoát.

Cử tri Phan Văn Quảng, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, kiến nghị phải xây dựng chi bộ Đảng trong sạch vững mạnh, chống tham nhũng hiệu quả, bền vững từ cơ sở. “Gần đây công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả làm nức lòng nhân dân, nhưng số vụ việc do chi bộ phát hiện quá ít…” - cử tri Phan Văn Quảng nói. Bên cạnh đó, cử tri cho rằng, vấn nạn lãng phí ảnh hưởng đến xã hội không kém tham nhũng nhưng chưa có biện pháp đẩy lùi.

Cử tri Nguyễn Ngọc Thắng, Bí thư Quận đoàn Ba Đình nêu thực trạng, những năm gần đây, do có nhiều phương tiện đi lại khu vực cửa khẩu đê trên địa bàn phường Phúc Xá (quận Ba Đình) nên thường xuyên ùn tắc tại khu vực này. Cử tri kiến nghị mở rộng cửa khẩu để khắc phục tình trạng này. Bên cạnh đó, các cử tri cũng quan tâm, đề cập tới các vấn đề về: An ninh mạng; vệ sinh an toàn thực phẩm; việc xử lý các tổ chức, cá nhân không tuân thủ quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm…

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao đổi một số nội dung thuộc thẩm quyền thành phố. Ảnh: Xuân Hải


Thay mặt lãnh đạo thành phố, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trao đổi một số nội dung thuộc thẩm quyền thành phố. Trước kiến nghị của cử tri về việc quá tải giao thông tại cửa khẩu đê phường Phúc Xá, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, đúng như cử tri thông tin, không chỉ phường Phúc Xá mà một số phường khu vực ngoài đê như Phúc Tân, Bạch Đằng của quận Hai Bà Trưng đều đang quá tải dân cư, quá tải hạ tầng giao thông; các thiết chế văn hóa, điều kiện về y tế, trường học còn đang gặp khó khăn. Điều này có liên quan đến vấn đề quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho TP Hà Nội cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập lại quy hoạch phân lũ các tuyến sông trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó có sông Hồng. Thực hiện sự chỉ đạo, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phấn đấu trình HĐND thành phố thông qua trong tháng 7-2018. Khi quy hoạch này xong sẽ tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực ngoài sông, trong đó có phường Phúc Xá…

Thông tin về một số kết quả trong công tác cải cách hành chính, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong năm 2016, 2017, TP Hà Nội đã thực hiện quyết liệt. Đến nay, thành phố đã sắp xếp xong toàn bộ các sở, ban, ngành, quận, huyện và các tổ chức chính trị-xã hội. Riêng các sở, ban, ngành, đã hoàn thành việc sắp xếp tại 22 sở và tương đương. Sau sắp xếp, giảm 204 phòng xuống còn 158 phòng, giảm 46 phòng; giảm 26 trưởng phòng và 116 phó trưởng phòng. Thống nhất tổ chức được 12 phòng chuyên môn tại các quận, huyện, thị xã. Các đơn vị sự nghiệp thuộc sở, ban, ngành giảm từ 401 đơn vị xuống còn 280 đơn vị (giảm 121 đơn vị, tương đương 30,2%); các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện giảm từ 206 đơn vị xuống còn 96 (giảm 110 đơn vị, tương đương 53,4%). Thành phố cũng đã hoàn thành việc sắp xếp 3 quỹ: Quỹ Đầu tư phát triển thành phố, Quỹ Đất thành phố và Quỹ Bảo vệ môi trường thành phố thành một... Trong 2 năm qua, các đơn vị chưa tuyển biên chế mới.

Chủ tịch UBND thành phố cũng thông tin về kết quả thanh tra, kiểm tra, thu hồi các tài sản về tiền và đất đai trên địa bàn TP Hà Nội. Từ năm 2011 đến tháng 10-2017, toàn thành phố thực hiện 10.154 kết luận thanh tra của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã; đã tổ chức thực hiện xong 8.417 kết luận…

Liên quan đến tình hình mất an ninh trật tự trong các bệnh viện, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, từ năm 2013, Công an thành phố đã triển khai lực lượng bảo vệ tại 15 bệnh viện lớn trên địa bàn; đồng thời tổ chức tập huấn cho lực lượng bảo vệ. Ngành y tế cũng đã có chấn chỉnh thái độ phục vụ đối với bệnh nhân của y tá, bác sĩ trong quá trình khám chữa bệnh. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố thời gian qua vẫn xảy ra một số vụ việc đáng tiếc. Do đó, thành phố sẽ tiếp tục tăng cường bảo vệ an ninh trật tự tại bệnh viện; tăng cường tập huấn cho các lực lượng bảo vệ, chấn chỉnh nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân cũng như người bệnh.

“Đặc biệt là thực hiện tốt phương châm 'Lấy sự hài lòng của người dân đánh giá chất lượng phục vụ của ngành y'" - đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Còn rất nhiều việc phải làm

Sau khi lắng nghe các ý kiến của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, đây đều là những ý kiến rất sâu sắc, tâm huyết, thể hiện cử tri đã nghiên cứu kỹ các nội dung dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội sắp tới. Tóm lược lại 3 nhóm vấn đề chính mà cử tri nêu, Tổng Bí thư cho biết, việc chống tham nhũng, lãng phí tiếp tục được cử tri quan tâm cho thấy đây là vấn đề vô cùng quan trọng.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, qua các ý kiến cho thấy, kết quả công tác chống tham nhũng trong thời gian vừa qua đã bước đầu làm cử tri hài lòng. Tuy nhiên, Tổng Bí thư khẳng định: “Nếu không có sự ủng hộ của toàn bộ nhân dân thì cuộc đấu tranh này không thể thành công. Vừa qua làm được, đạt kết quả là có sự đồng thuận rất lớn của xã hội, nhân dân”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong chống tham nhũng, chúng ta không chỉ “chống” mà lâu dài là “xây”, không phải xử nặng là tốt mà cái chính là người đó phải nhận ra sai phạm của mình, nếu ai đã trót nhúng chàm thì gột rửa đi; cùng với đó, việc quan trọng nữa là thu hồi tài sản.

Cho rằng việc chống tham nhũng hiện nay đã trở thành xu thế, “lò đang nóng rực”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, rõ ràng là còn rất nhiều việc phải làm. “Đúng như cử tri nói, điều dân mong là làm mạnh hơn nữa, làm quyết liệt, quyết tâm, làm đến cùng nhưng phải có cách làm” - Tổng Bí thư nhấn mạnh, đồng thời lưu ý, trong chống tiêu cực ở cơ sở, vai trò của chi bộ rất quan trọng và cần phát huy vai trò giám sát của Quốc hội, HĐND, tập thể chi bộ và nhân dân để các cá nhân không dám, không thể tham nhũng.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chống tham nhũng phải kết hợp với thực hiện các nghị quyết khác của Trung ương cho hiệu quả (nghị quyết về sắp xếp tinh gọn bộ máy, về cải cách chính sách tiền lương, về công tác cán bộ… ). “Tinh thần là phát huy kết quả vừa qua, cả xã hội đồng lòng vào cuộc thì cuộc chiến chống tham nhũng mới đạt kết quả tốt” - Tổng Bí thư khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.