Cách nay 70 năm, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó mới ở tuổi thiếu niên, nhưng cũng đủ tâm thức cảm thụ sâu sắc những giá trị hào hùng, hào hoa, văn hiến của Thăng Long - Hà Nội.
Thời khắc ấy là một phần máu thịt trong hồi ức lịch sử của hàng triệu người dân Thủ đô yêu nước, nuôi dưỡng tình cảm thiêng liêng đối với Đảng, Bác Hồ, chế độ xã hội chủ nghĩa. Càng tuyệt vời hơn, bởi vì trong số hàng triệu người con dân nước Việt Nam, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có vinh dự sinh ra và trưởng thành nơi hồn thiêng sông núi, được học tập, phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành, cống hiến, là một công dân đặc biệt làm rạng ngời Thủ đô ta.
Những ngày tháng 10 năm 2024, trong không khí tràn đầy tinh thần cách mạng, Thủ đô Hà Nội long trọng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), đường phố ngập tràn cờ hoa, quanh Hồ Gươm có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật tái hiện khoảnh khắc lịch sử thiêng liêng, như cột mốc chói lọi trong lịch sử dân tộc thời hiện đại, kết nối quá khứ văn hiến, hào hoa với hiện tại tự chủ, tự lực, tự cường, xây đắp tương lai tươi sáng, giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc.
Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, nhân dân Thủ đô Hà Nội đã dành một khoảng lặng như nốt nhạc trầm buồn tưởng nhớ công lao, nghĩa tình đối với cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng thực sự là một biểu tượng cao đẹp, thiêng liêng, mang cốt cách văn hóa người Tràng An, thanh lịch, thấm đượm nghĩa tình quê hương, đất nước, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, luôn đòi hỏi, yêu cầu rất cao đối với Thủ đô: Hà Nội phải gương mẫu, đi đầu trên mọi phương diện, tận tâm, tận lực, tận trung, tận hiếu với sự phát triển chung, xứng tầm là Thủ đô của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Sinh thời, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có một kho báu hồi ức. Dù làm chức to, quyền trọng, nhưng đồng chí không bao giờ xa rời quê hương, bản quán, Hà Nội là một phần máu thịt trong đồng chí. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, đồng chí vẫn cùng người bạn đời trăm năm son sắt thủy chung về dâng tâm nhang bàn thờ tổ tiên, dự hội làng, quây quần cùng con cháu gói bánh chưng xanh. Những lần gặp mặt thầy cô giáo, bạn bè đồng niên, đồng liêu, đồng khóa, đồng chí vẫn thể hiện đúng cốt cách truyền thống văn hóa tôn sư, trọng đạo, tri kỷ, tri ân, chan hòa với cộng đồng làng xã. Ở đồng chí tỏa sáng những phẩm chất đạo đức cách mạng thuần khiết, lời nói đi đôi với việc làm.
Trong nhiều tin và ảnh tư liệu phản ánh tình cảm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Thủ đô Hà Nội, có lẽ nổi bật nhất là hình ảnh đồng chí và phu nhân kính cẩn dâng hương Đền Ngọc Sơn, tưởng nhớ tiên tổ, cầu mong cho quốc thái dân an trong dịp đón Tết cổ truyền dân tộc, ân cần thăm hỏi đồng bào, đồng chí, tươi cười rạng rỡ tinh thần lạc quan cách mạng trước khung cảnh Hồ Gươm huyền thoại.
Đồng chí đã có tới 2 nhiệm kỳ làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, luôn trăn trở, cống hiến trí tuệ, tâm huyết cho sự vươn tầm thời đại của Thủ đô nước Việt Nam thời đổi mới và hội nhập. Đồng chí đã có 5 năm làm Chủ tịch Quốc hội, 2 năm làm Chủ tịch nước, hơn hai nhiệm kỳ làm Tổng Bí thư. Dù trong bất kỳ cương vị nào, khi về thăm và làm việc với Đảng bộ, chính quyền, chiến sĩ, nhân dân Hà Nội, đồng chí đều thể hiện tràn đầy nhiệt huyết cách mạng.
Khi giữ cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Chúng ta tự hào về dân tộc Việt Nam và nằm giữa lòng dân tộc là Thủ đô Hà Nội. Niềm tự hào chính đáng ấy gắn bó chặt chẽ với ý thức trách nhiệm sâu sắc, với nghĩa vụ cao cả phấn đấu nỗ lực trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, đậm đà bản sắc Thăng Long - Hà Nội...”; đồng thời nhấn mạnh: “Hà Nội phải phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội toàn diện, bền vững; bảo đảm ổn định vững chắc chính trị, an ninh, quốc phòng”. Ngay ở thời điểm năm 2000, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ mục tiêu: Hà Nội phải phấn đấu đạt tốc độ tăng GDP bình quân hằng năm từ 10-11%, để đến năm 2010, GDP tăng khoảng 2,7 lần so với năm 2000, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 2.100-2.200 USD.
Hà Nội “được mùa toàn diện” như đánh giá của lãnh đạo Trung ương và dư luận xã hội ngày đó. Trong giai đoạn 2001-2005, GDP (hiện nay đối với địa phương là chỉ số GRDP) của Hà Nội tăng trưởng 11,1%/năm, bằng 1,5-1,6 lần tốc độ tăng bình quân của cả nước; thu nhập bình quân tính đến năm 2006 đạt 18,4 triệu đồng/năm (với tỷ giá cùng thời điểm tương đương 1.200 USD). Diện mạo Thủ đô đổi mới mạnh mẽ. Trong hai năm 2003 và 2004, trung bình mỗi năm Hà Nội xây dựng được 1,45 triệu mét vuông nhà ở, bằng tổng số 5 năm trước đó. Và, hai cây cầu quan trọng bắc qua sông Hồng được khởi công xây dựng (cầu Thanh Trì năm 2002, cầu Vĩnh Tuy năm 2005) mở ra không gian và điều kiện phát triển mới cho Hà Nội.
Là nhà nghiên cứu, lý luận xuất sắc với nhiều kinh nghiệm thu được từ tổng kết thực tiễn, Bí thư Thành ủy Nguyễn Phú Trọng tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách chỉ đạo, chú trọng nâng cao năng lực của tổ chức Đảng và chất lượng cán bộ, đảng viên.
Cùng với việc xây dựng các chương trình công tác lớn của Thành ủy nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội và xác định rõ trọng tâm, trọng điểm đối với từng lĩnh vực, Bí thư Thành ủy Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu các cấp ủy Đảng tập trung vào công tác cán bộ: “Chú trọng rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao đạo đức cách mạng, trình độ, trí tuệ và năng lực công tác. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tệ tham nhũng, quan liêu, cùng những biểu hiện tiêu cực khác; tăng cường sự gắn bó với nhân dân; thường xuyên đi sâu đi sát cơ sở”.
Đồng chí đề nghị: “Mỗi cán bộ, đảng viên Hà Nội phải phấn đấu vượt lên chính mình, vượt qua thử thách của chính mình. Chỉ có tự rèn luyện gian khổ, rèn luyện theo gương của Bác Hồ kính yêu, với sự giáo dục thường xuyên và quản lý chặt chẽ của chi bộ, sự giúp đỡ của tập thể, sự giám sát, đùm bọc của nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên Hà Nội mới trở thành những người cộng sản chân chính, góp phần xây dựng Đảng bộ Hà Nội trong sạch, vững mạnh”.
Thực sự coi “dân là gốc”, đồng chí Nguyễn Phú Trọng gương mẫu đi đầu, cống hiến hết mình, tác phong mực thước, lối sống giản dị, gắn bó mật thiết với dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, cùng Đảng bộ thành phố chèo lái con thuyền Thủ đô vượt qua mọi khó khăn, thử thách, duy trì sự phát triển mạnh mẽ. Những dấu ấn của đồng chí Nguyễn Phú Trọng trong thời gian giữ cương vị người đứng đầu Đảng bộ Thủ đô còn đọng mãi trong trái tim người Hà Nội.
Trên các cương vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội. Ngày 12-10-2020, phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ XVII, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Hà Nội cũng chưa khi nào có được quy mô, vị thế, tầm vóc và cơ hội phát triển như bây giờ. Chính vì thế, yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội cũng không thể như với các địa phương khác, mà phải cao hơn, sâu hơn, mạnh hơn. Vì sao? Bởi vì Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là bộ mặt của quốc gia, là nơi hội tụ của khí phách cha ông, hồn thiêng dân tộc, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, tụ khí tinh hoa, địa linh nhân kiệt, có truyền thống đấu tranh cách mạng rất kiên cường, tiêu biểu cho truyền thống văn hiến và anh hùng, hòa bình và hữu nghị của dân tộc Việt Nam, nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng của đồng bào, chiến sĩ cả nước”.
Ngày 5-5-2022, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", trong đó tiếp tục giao trọng trách lịch sử cho Hà Nội: “Phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”... là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội”.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành cho Hà Nội sự quan tâm đặc biệt, mong muốn và tin tưởng Hà Nội làm trọn trọng trách là Thủ đô - trái tim của cả nước. Mỗi dịp về tiếp xúc cử tri hay thăm, làm việc, dự sự kiện, kể cả chúc Tết Đảng bộ và nhân dân thành phố, đồng chí luôn nhấn mạnh về vai trò, vị trí, tiềm năng, vị thế đặc biệt của Hà Nội, nhất là yêu cầu phải khơi dậy mạnh mẽ niềm tự hào về truyền thống cách mạng vẻ vang của Thủ đô, chiều sâu văn hóa, lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, về những danh hiệu cao quý “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”, coi đây là sức mạnh nội lực để phát triển. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu Hà Nội phải tập trung phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, để Thủ đô thực sự là trung tâm văn hóa của cả nước...
Sau 70 năm Giải phóng Thủ đô và gần 40 năm đổi mới, Hà Nội là thành phố trực thuộc Trung ương có quy mô diện tích tự nhiên lớn nhất, có số đơn vị cấp huyện lớn nhất, có số đảng viên chiếm khoảng 1/10 cả nước, là trung tâm đầu não chính trị của đất nước, là nơi hội tụ và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống hàng đầu cả nước, là chiếc nôi của khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, là nơi khơi nguồn cảm hứng cho thi ca, nhạc họa mang hồn cốt dân tộc. Có được tầm vóc như vậy, ắt hẳn là nhờ công lao của Bác Hồ, của Đảng, Nhà nước và biết bao thế hệ lãnh đạo đã dành cho Hà Nội nguồn động viên to lớn, trong đó có một phần công lao cao dày của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Những ngày qua, quanh Hồ Gươm náo nức lòng người, tràn đầy cảm xúc, luôn khắc ghi sự tích vua Lê Thái Tổ trả gươm thiêng cho Rùa thần, gửi thông điệp hòa bình tới muôn đời con cháu và thiên hạ. Người dân khắp mọi miền đất nước về vãn cảnh Hồ Gươm, qua năm cửa ô phục dựng, ngắm nhìn khung cảnh mô phỏng phố phường Hà Nội, nhất là đoàn quân chiến thắng cùng tiếng nhạc hào hùng của 70 năm trước, dâng trào cảm xúc khát vọng linh thiêng mà vua Lý Thái Tổ viết trong Thiên đô chiếu hơn ngàn năm trước đã và đang được con cháu tiên rồng hiện thực hóa.
***
70 năm trước, trời thu Hà Nội đồng điệu lòng người “trong biếc nói cười thiết tha”, người thiếu niên Nguyễn Phú Trọng cùng người dân Thủ đô đắm mình trong không gian lịch sử, vẫy cờ hoa đón chào đoàn quân chiến thắng trở về sau “kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ”; nay đồng chí đã về với thế giới người hiền, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng chí, đồng bào.
Ân tình mà đồng chí dành cho Thủ đô luôn mãi tươi nguyên, là nguồn động lực tinh thần vô giá khích lệ Thủ đô Hà Nội gương mẫu, đi đầu đưa dân tộc ta vươn mình trong kỷ nguyên mới. Lịch sử khắc ghi công lao của đồng chí, lòng người Hà Nội trĩu nặng tình người, tình đời, tình đồng chí với người con muôn vàn yêu dấu của Thủ đô, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, người đảng viên Cộng sản kiên trung, cả cuộc đời tận trung, tận hiếu với nước, với dân, luôn truyền cảm hứng lịch sử, cách mạng, khát vọng đưa Thủ đô ta bay cao, bay xa trên bầu trời lịch sử và thời đại, góp phần quan trọng dựng xây cơ đồ dân tộc hùng cường, rạng rỡ tương lai.
70 năm, một chặng đường không dài trong dòng chảy lịch sử nghìn năm Thăng Long - Hà Nội nhưng đã để lại những trang sử vàng rực rỡ. Hà Nội - Thủ đô mến yêu của chúng ta có đủ tự tin, với những nền tảng vững chắc để bước vào giai đoạn phát triển mới, như mong muốn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trên thế giới, thực sự là trái tim của cả nước, là điểm đến an toàn, thân thiện của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.