(HNMO) - Ngày 17-6, tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đã tiếp xúc với cử tri các quận Thanh Xuân, Hà Đông và Cầu Giấy.
(HNMO) - Ngày 17-6, tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đã tiếp xúc với cử tri các quận Thanh Xuân, Hà Đông và Cầu Giấy.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận Hội nghị tiếp xúc cử tri các quận Thanh Xuân, Hà Đông |
Tỉnh táo lên án, phê phán, đập tan âm mưu phá hoại
Sáng 17-6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đã tiếp xúc với cử tri quận Thanh Xuân, quận Hà Đông (đơn vị bầu cử số 3).
Tham dự buổi tiếp xúc cử tri có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ: Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn và Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai.
Thay mặt các đại biểu Quốc hội, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội báo cáo với cử tri về kết quả kỳ họp thứ năm. Tiếp đó, đại biểu Đào Tú Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ Tòa án nhân dân Tối cao báo cáo kết quả giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền về những ý kiến, kiến nghị của cử tri trong đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ năm.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri đánh giá cao kết quả kỳ họp, có nhiều đổi mới, dân chủ nhất là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Cử tri kiến nghị Quốc hội tăng thêm thời lượng chất vấn để các đại biểu được chất vấn nhiều hơn, các thành viên Chính phủ được trả lời nhiều hơn. Ngoài nội dung trên, cử tri Nguyễn Khắc Sủng (quận Hà Đông) phản ánh, thời gian qua xảy ra nhiều vụ cháy ở các tòa nhà chung cư, nhà cao tầng gây thiệt hại nghiêm trọng mà nguyên nhân là do ý thức phòng cháy của người dân chưa tốt; việc chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy của một số chủ đầu tư chưa nghiêm… Cử tri kiến nghị đổi mới công tác tuyên truyền; tập huấn, nâng cao kỹ năng xử lý khi xảy ra tình huống cháy, nổ cho người dân; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy; bổ sung quy định tiêu chuẩn bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy thoát nạn tại các chung cư cao tầng, các khu dân cư để người dân thoát nạn khi có sự cố xảy ra…
Cũng liên quan đến các khu chung cư, cử tri Vũ Trần Thành (quận Hà Đông) nêu thực trạng tại địa phương hiện nay: Một số chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính để hoàn thành các hạng mục hạ tầng kỹ thuật; trì hoãn việc tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu; một số ban quản trị hoạt động không hiệu quả… Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát các văn bản liên quan và thành phố có biện pháp cụ thể để giải quyết tình trạng này…
Phản ánh tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm sông Tô Lịch… cử tri Phạm Sông Thao (quận Thanh Xuân) kiến nghị cần có chính sách ưu đãi cho những nhà đầu tư sản xuất túi thân thiện với môi trường, cũng như cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân bỏ thói quen sử dụng túi nilon. Cử tri Bùi Văn Cường (quận Hà Đông) đặt câu hỏi: “Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông bao giờ hoàn thành, đưa vào sử dụng?” Một số cử tri phản ánh về vấn đề an toàn giao thông, ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm và kiến nghị các cấp sớm giải quyết triệt để tình trạng này.
Thay mặt lãnh đạo thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu tiếp thu các ý kiến của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố, đồng thời thông báo với cử tri về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018 của Thủ đô có nhiều khởi sắc. Đồng chí Nguyễn Văn Sửu cho biết, thời gian qua, lãnh đạo thành phố đặc biệt quan chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Toàn bộ 426 công trình bị phát hiện vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đều đã công khai và thành phố yêu cầu phải thực hiện khắc phục theo lộ trình. TP Hà Nội đã đề nghị Bộ Công an, Bộ Xây dựng thay đổi thiết kế xây dựng thang thoát hiểm bên ngoài tòa nhà để bảo đảm an toàn cho người dân.
Về cải tạo chung cư cũ, khắc phục ô nhiễm môi trường, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông…, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cho biết, đây là các vấn đề thành phố luôn quan tâm và đã có kế hoạch giải quyết cụ thể.
Sau khi lắng nghe các ý kiến tại buổi tiếp xúc, thay mặt các đại biểu Quốc hội có mặt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh và ghi nhận, cảm ơn các cử tri đã đánh giá cao sự thành công của kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV và tiếp tục đóng góp những ý kiến xác đáng, tâm huyết và trách nhiệm.
Trao đổi với cử tri về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc và Luật An ninh mạng, trong đó xảy ra việc biểu tình, những phần tử phá hoại đã lợi dụng lòng yêu nước của người dân để kích động gây rối, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, cơ quan chức năng đang tập trung chấn chỉnh, khắc phục hậu quả và xử lý nghiêm minh những kẻ cầm đầu chống đối đã kích động gây rối. Tổng Bí thư cũng đánh giá cao TP Hà Nội đã làm tốt việc bảo đảm an ninh trật tự.
Tổng Bí thư cho biết đã có chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế từ rất lâu, từ những năm 90 của thế kỷ trước với tinh thần học tập kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới, thu hút đầu tư nước ngoài, thí điểm cơ chế mới... Đây là vấn đề khó, mới, nhạy cảm nên phải rất thận trọng. Có chủ trương rồi nhưng làm thế nào cho hiệu quả, vừa phát huy được sức mạnh trong, ngoài nước vừa giữ được độc lập chủ quyền quốc gia. Đó là chủ trương nhất quán… Quốc hội, Chính phủ đã làm rất thận trọng, xem xét thông qua dự án luật nhưng có một số ý kiến đóng góp, Quốc hội đã tiếp thu, dân chủ và quyết định dừng lại, lắng nghe thêm ý kiến để hoàn thiện. Tuy nhiên, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được quyết định dừng từ ngày 8-6 nhưng ngày 10-6 vẫn xảy ra chuyện biểu tình phản đối luật, điều đó chứng tỏ có ý đồ khác.
Theo Tổng Bí thư, trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc có nhiều ý kiến băn khoăn là thời hạn cho thuê đất 99 năm. Luật Đất đai hiện hành quy định cho thuê đến 70 năm, còn đây là luật về đặc khu nên dự kiến ban đầu là không quá 99 năm với trường hợp đặc biệt và sẽ phải qua nhiều quy định, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì mới được làm.
Theo Tổng Bí thư, bản chất sâu xa là các đối tượng đã xuyên tạc sự thật, kích động lòng yêu nước chân chính của nhân dân để âm mưu việc xấu, trong đó có bàn tay của những phần tử phá hoại, không loại trừ yếu tố nước ngoài. “Rất mong nhân dân hết sức bình tĩnh, tỉnh táo và tuyệt đối tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Đảng vì nước, vì dân chứ không phải vì mục đích gì khác và không ai dại dột trao đất cho người nước ngoài để người ta vào làm rối mình... Phải tỉnh táo lên án, phê phán, đập tan âm mưu phá hoại” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Trao đổi về Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trên thế giới rất nhiều nước đã có luật này, đồng thời khẳng định việc thông qua luật là cần thiết, nhất là trong thời kỳ cách mạng Công nghệ 4.0 hiện nay. Luật ra đời nhằm bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng và bảo vệ quyền công dân…
Các đối tượng chống phá đang lợi dụng triệt để mạng xã hội để tuyên truyền, kích động, đưa hình ảnh giả
Chiều cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đã tiếp xúc với cử tri quận Cầu Giấy.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri |
Tham dự buổi tiếp xúc cử tri có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai…
Thay mặt các đại biểu Quốc hội, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội báo cáo với cử tri về kết quả kỳ họp thứ năm. Tiếp đó, đại biểu Đào Tú Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ Tòa án nhân dân Tối cao, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội báo cáo kết quả giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền về những ý kiến, kiến nghị của cử tri trong đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ năm.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri tiếp tục kiến nghị về nhiều vấn đề quan tâm. Cử tri Phan Văn Độ đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ năm, đặc biệt là sự đổi mới của phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Cùng với đó, cử tri cho rằng, mỗi đại biểu Quốc hội cần phát huy tinh thần trách nhiệm không chỉ trong nghị trường, cụ thể là cần gắn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc giám sát các vấn đề ngay tại địa bàn ứng cử.
Cử tri nêu kiến nghị với các đại biểu Quốc hội |
Cử tri Lê Đình Can đánh giá cao việc Quốc hội, trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân và cử tri, đã quyết định điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc từ kỳ họp thứ năm sang kỳ họp sau để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của dự án luật này. Tuy nhiên, cử tri cho rằng, việc thông tin đến người dân cần được thực hiện tốt hơn. Đặc biệt, cử tri Lê Đình Can kiến nghị các cấp, các ngành kiên quyết xử lý nghiêm minh những phần tử phá hoại đã lợi dụng lòng yêu nước của người dân để kích động gây rối...
Cử tri Phan Hồng Anh, Bí thư Chi đoàn Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho rằng, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ và ngày càng khó kiểm soát. Việc Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng được đông đảo người dân, nhất là giới trẻ ủng hộ. Thời gian tới, cần đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai đồng bộ các giải pháp để đưa luật vào cuộc sống.
Đánh giá cao kết quả công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua, song cử tri Hà Minh Thông cho rằng, cuộc đấu tranh này còn vô cùng cam go. Cử tri đề nghị Đảng, Chính phủ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đúng tinh thần chống tham nhũng “không có vùng cấm”…
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu, làm rõ một số vấn đề cử tri quan tâm |
Thay mặt lãnh đạo TP Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu tiếp thu các ý kiến, đồng thời thông tin thêm với cử tri về âm mưu của các thế lực thù địch hiện nay. Theo đồng chí, các thế lực thù địch, tổ chức phản động, đối tượng cơ hội chính trị… chưa bao giờ từ bỏ âm mưu chống phá chế độ ta. Trong thời gian vừa qua, chúng đã lợi dụng triệt để mạng xã hội để tuyên truyền, kích động, đưa các hình ảnh giả. Điển hình như sáng 10-6 vừa qua, tại Hà Nội rất bình yên, nhưng các đối tượng lên mạng xã hội nói xung quanh hồ Hoàn Kiếm có “biểu tình”… Hay như việc các đối tượng tụ tập đông người, phá hoại là làm ảnh hưởng, chia rẽ tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc.
“Vì vậy, người dân sử dụng internet phải rất tỉnh táo, khi sử dụng mạng xã hội, xem các thông tin trên mạng phải chọn lọc” - Chủ tịch UBND thành phố lưu ý.
Trao đổi thêm về Luật An ninh mạng, đồng chí Nguyễn Đức Chung khẳng định, bất cứ nước nào cũng đưa ra luật bảo vệ an ninh mạng, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Hiện tại, các thế lực thù địch đang tuyên truyền Luật An ninh mạng sẽ cấm mọi người dùng internet, cấm mọi người dùng mạng xã hội… nhưng thực tế không phải như vậy. Luật chỉ ngăn cấm những hành vi mà các đối tượng xấu, cơ hội chính trị, phản động, những người có hành vi vi phạm pháp luật, dùng những hình ảnh bôi nhọ, bôi xấu lẫn nhau hoặc có những hành động xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân thông qua lợi dụng mạng… “Luật An ninh mạng đưa ra nhằm bảo vệ hệ thống mạng, chính là bảo vệ quyền tự do của mọi người dùng mạng internet cũng như mạng xã hội…” - Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, các ý kiến của cử tri phong phú về nhiều vấn đề và đều cho thấy sự tâm huyết, trách nhiệm trên tinh thần xây dựng.
Nêu cụ thể về một số vấn đề, trong đó có vấn đề phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, đây là nội dung được cử tri quan tâm tại hầu hết các cuộc tiếp xúc cử tri. Tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội cũng đã thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Lần này, dự án luật có điểm mới là mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước, mở rộng ra khu vực tư. Nói về nội dung kê khai tài sản, Tổng Bí thư khẳng định, đây là việc vẫn thực hiện lâu nay. Vấn đề là việc kê khai có đúng không, chính xác không, có trung thực, công khai không..., đồng thời mong các cử tri tiếp tục có ý kiến vào dự án luật.
Tại buổi tiếp xúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng dành thời gian trao đổi thêm về Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc và Luật An ninh mạng. Qua đó, Tổng Bí thư đề nghị người dân bình tĩnh, tỉnh táo và tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.