(HNM) - Giải thưởng chất lượng quốc gia của thành phố Hà Nội là hoạt động thường niên, nhằm xét chọn, tôn vinh, khen thưởng các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khắc Sự, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng sơ tuyển Giải thưởng chất lượng quốc gia năm 2021 của thành phố Hà Nội xung quanh việc lựa chọn, xét duyệt và trao giải thưởng này.
- Giải thưởng chất lượng quốc gia là giải thưởng danh giá nhất về chất lượng tại Việt Nam hiện nay. Vậy, thành phố Hà Nội đã chuẩn bị như thế nào cho đợt xét chọn giải thưởng năm nay, thưa ông?
- Để tổ chức giải thưởng này, ngày 29-3-2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 82/KH-UBND về tổ chức hoạt động Giải thưởng chất lượng quốc gia năm 2021 của thành phố Hà Nội. Trên cơ sở đó, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn để thông tin, tuyên truyền, giới thiệu, đề cử và mời doanh nghiệp tham gia xét tặng Giải thưởng chất lượng quốc gia năm 2021 của thành phố Hà Nội.
Đặc biệt, tháng 6-2021, Hội đồng sơ tuyển giải thưởng của thành phố Hà Nội được thành lập. Hội đồng sơ tuyển giải thưởng đã ban hành Quyết định số 457/QĐ-SKHCN-HĐ thành lập Tổ chuyên gia để đánh giá hồ sơ và đánh giá trực tiếp doanh nghiệp; tham mưu cho Hội đồng xem xét, tuyển chọn các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội tham dự giải thưởng. Đến nay, đã có 4 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố gửi hồ sơ tham dự giải thưởng. Hội đồng sơ tuyển đã họp đánh giá, chấm điểm trên hồ sơ đối với các doanh nghiệp tham dự. Kết quả, Hội đồng đã lựa chọn 3/4 đơn vị để tiến hành đánh giá tại chỗ.
Trên cơ sở báo cáo kết quả đánh giá tại chỗ, Hội đồng sơ tuyển đã thống nhất giới thiệu lên Hội đồng Giải thưởng chất lượng quốc gia năm 2021 của thành phố Hà Nội 3 doanh nghiệp để xét trao giải, gồm: Công ty cổ phần Phát triển công nghệ TechPro, Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội MB và Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI.
- Là Chủ tịch Hội đồng sơ tuyển Giải thưởng chất lượng quốc gia năm 2021 của thành phố Hà Nội, ông đánh giá thế nào về các doanh nghiệp tham dự?
- Có thể khẳng định, phong trào tham gia giải thưởng của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố ngày càng đi vào nền nếp, có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, năm sau cao hơn năm trước. Hầu hết các doanh nghiệp tham gia và đạt giải thưởng đều đang phát triển bền vững, tăng trưởng; chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đây là một minh chứng sống động cho giá trị của giải thưởng đối với sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Tuy nhiên, công tác thông tin, tuyên truyền để các doanh nghiệp, các cấp, ngành biết về giải thưởng còn hạn chế, dẫn đến một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa hiểu hết giá trị của giải thưởng, nên số lượng đăng ký tham gia còn thấp so với tiềm năng và số doanh nghiệp đang hoạt động của thành phố. Loại hình hoạt động của doanh nghiệp đăng ký tham gia đơn điệu, chủ yếu là doanh nghiệp hoạt động trong sản xuất và chưa có các chính sách khuyến khích, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sau khi đạt giải thưởng...
- Theo ông, cần làm gì để giải thưởng thu hút được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố?
- Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về giải thưởng dưới nhiều hình thức. Đặc biệt, cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông, chia sẻ kinh nghiệm, giá trị từ doanh nghiệp đã đạt giải cho cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng, người dân biết các sản phẩm chất lượng do các doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam sản xuất, góp phần thúc đẩy hơn nữa phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Đồng thời, cần hỗ trợ các doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu của các tiêu chí giải thưởng thông qua hoạt động đào tạo, phổ biến, tư vấn, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Phải hoàn thiện nội dung các tiêu chí của giải thưởng cho phù hợp với đặc thù hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, dễ hiểu, dễ áp dụng, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý và khích lệ doanh nghiệp tham gia giải thưởng. Cơ quan thường trực Giải thưởng chất lượng quốc gia của thành phố cần chủ động lựa chọn, khảo sát tại các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh nổi trội để hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký tham dự; trong khi đó, các doanh nghiệp cần vượt qua tâm lý e ngại để tích cực tham gia giải thưởng.
Ngoài việc tôn vinh, khen thưởng và trao giải, thành phố cần nghiên cứu xây dựng các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia và đạt Giải thưởng chất lượng quốc gia được hưởng những ưu đãi về tiếp cận và phát triển thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hỗ trợ đổi mới sáng tạo…
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.