LTS: Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội dự kiến đề nghị TP xét tặng danh hiệu
1. Thượng tá Lê Đức Đoàn (sinh năm 1959, là thương binh, công tác tại Đội Cảnh sát Giao thông số 1, Công an TP Hà Nội): Được giao nhiệm vụ ứng trực tại chốt phía nam đầu cầu Chương Dương, anh đã lập được nhiều thành tích như: Dũng cảm cứu người trên một chiếc xe đang bốc cháy, nhiều lần ngăn chặn ý định tự tử trên cầu Chương Dương (từ năm 2001 đến nay đã ngăn chặn và cứu giúp 11 trường hợp), đưa trẻ lạc về với gia đình… Thượng tá Lê Đức Đoàn liên tục được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và Bằng khen của UBND TP, Bộ Công an.
2. PGS, TS Hà Đình Đức (sinh năm 1940, giảng viên cao cấp khoa Sinh học - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội): Ông tham gia nhiều lĩnh vực bảo vệ thiên nhiên và môi trường, là nhà khoa học nghiên cứu về văn hóa, lịch sử Hà Nội... Đặc biệt ông là người theo dõi, nghiên cứu sớm nhất về rùa Hồ Gươm (từ năm 1991), đã có 6 công trình nghiên cứu cấp quốc gia về Hồ Gươm. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2010, UBND TP tặng thưởng nhiều Bằng khen, hai lần được UBND TP công nhận danh hiệu Người tốt, việc tốt.
3. Ông Lê Đức Giáp (sinh năm 1955, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội): Ông là một nông dân tiêu biểu trong việc chuyển đổi cơ cấu, mô hình kinh tế nông nghiệp đem lại hiệu quả cao, hằng năm tạo việc làm cho 20 đến 30 lao động. Ông thường xuyên giúp đỡ các hộ nghèo về vốn, cây giống cũng như chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả đạt năng suất, chất lượng cao. Gia đình ông liên tục đạt danh hiệu "Hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp TP"; được UBND TP tặng Bằng khen; ông được Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT tặng giấy khen "Nhà vườn sáng tạo".
4. Bà Nguyễn Thị Hiền (sinh năm 1968, công nhân bậc 6/7, Tổ trưởng Công đoàn mương 1, Xí nghiệp Thoát nước số 1 Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội): Là một công nhân gương mẫu trong lao động, sẵn sàng đảm nhiệm những công việc nặng nhọc, khó khăn nhất với hiệu quả, năng suất, chất lượng cao, bà đã có hai sáng kiến kinh nghiệm được áp dụng trong toàn công ty; là cán bộ công đoàn giỏi của TP nhiều năm liền; đạt danh hiệu Công nhân giỏi cấp TP và ngành giao thông công chính, ngành xây dựng Hà Nội; đạt danh hiệu điển hình tiên tiến ngành xây dựng toàn quốc 5 năm (2006-2011).
5. Ông Phạm Lợi (sinh năm 1938): Từng giữ các chức vụ Bí thư Thành đoàn Hà Nội, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch TƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh, thiếu nhi và Phó Chủ nhiệm Ủy ban An ninh quốc phòng của Quốc hội... Ở cương vị nào ông cũng luôn sáng tạo tìm cái mới, đề xuất nhiều chủ trương, biện pháp, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Lao động các hạng Nhất, Nhì và nhiều Bằng khen của các cấp, các ngành.
6. Anh hùng Lao động, GS, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Tài Thu (sinh năm 1931, Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Châm cứu thế giới): Ông là người đề xướng thành lập Viện Châm cứu đầu tiên của cả nước đặt tại Thủ đô; tham gia đào tạo trên 5.700 thầy thuốc châm cứu; cùng các cộng sự khám chữa bệnh, tặng quà cho hơn 500.000 lượt trẻ em khuyết tật; đã có hơn 1.200 người được cai nghiện ma túy thành công bằng phương pháp châm cứu của ông. Ông cũng đã có nhiều đề tài khoa học, đồng thời là tác giả của các cuốn sách quý về châm cứu. Giáo sư đã được Đảng và Nhà nước tặng: Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì, Danh hiệu Người tốt, việc tốt các năm 1997, 1998.
7. Bà Tạ Ngọc Thúy (sinh năm 1936, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm): Hơn 40 năm được nhân dân tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng tổ dân phố số 26, khu dân cư Cầu Gỗ 2 (phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm), bà đã có những đóng góp tích cực trong việc hướng dẫn, động viên người dân sống đoàn kết, thanh lịch, giữ gìn nét đẹp của người Thủ đô; nhiều lần phát hiện và kiên quyết đấu tranh với kẻ gian cướp giật, móc túi. Nhiều năm liền bà được UBND quận Hoàn Kiếm, Công an TP tặng Giấy khen.
8. Nhạc sĩ Hoàng Vân (sinh năm 1930): Là một trong những nhạc sĩ có nhiều đóng góp to lớn, toàn diện cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam với các ca khúc nổi tiếng như: "Hà Nội - Huế - Sài Gòn", "Tình yêu Hà Nội", "Bài ca xây dựng", "Bài ca người giáo viên nhân dân", "Em yêu trường em", viết nhạc cho phim "Em bé Hà Nội", "Con chim vành khuyên"...
Nhạc sĩ Hoàng Vân đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba; Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật và nhiều phần thưởng khác.
9. Bà Hà Thị Vinh (sinh năm 1954, Tổng GĐ Công ty TNHH Quang Vinh, xã Bát Tràng, Huyện Gia Lâm; Ủy viên BCH Hội LHPN TP Hà Nội khóa XIV): Bà là người đầu tiên nhập lò nung bằng gas công nghệ cao của Đài Loan giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, cũng là người đi tiên phong trong xuất khẩu sản phẩm gốm sứ Bát Tràng sang Mỹ, Nhật, các nước Châu Âu…. Bà cũng là người đưa ra sáng kiến và hỗ trợ 100% chi phí viết sách lịch sử truyền thống về "Bát Tràng - Làng nghề, làng văn", dự kiến xuất bản vào đầu năm 2013. Bà đã nhận "Giải thưởng phụ nữ Việt Nam năm 2003" của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, được bình chọn là 1 trong 3 phụ nữ tiêu biểu nhất Việt Nam năm 2003…
10. Bà Nguyễn Thị Vui (sinh năm 1944, Chủ nhiệm HTX sơn khảm Ngọ Hạ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên): Tham gia công tác tại địa phương từ năm 1960 với các cương vị: Chủ tịch Hội Phụ nữ, Xã đội phó, Chủ nhiệm hợp tác xã, đặc biệt có 45 năm làm bí thư chi bộ, bà luôn nhiệt tình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Góp phần giữ gìn và phát triển nghề sơn khảm truyền thống của quê hương, 15 năm nay, HTX do bà làm chủ nhiệm đã dạy nghề miễn phí cho gần 2.500 trẻ khuyết tật, mồ côi, con em gia đình chính sách trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành khác.
Bà đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2008, UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen và công nhận danh hiệu Người tốt, việc tốt...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.