Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tôn trọng chủ thể đích thực

Mai Hoa| 26/08/2015 06:41

(HNM) - Vì sao công tác bảo tồn di sản hiện nay vẫn còn quá nhiều bất cập? Nên làm gì để người dân không thờ ơ với di sản ở ngay làng xã, sẵn sàng chung tay cùng cơ quan quản lý nhà nước bảo tồn và phát huy giá trị di sản?...

Rất nhiều ý kiến đã được các chuyên gia, nhà nghiên cứu, những người yêu mến và quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản làng xã đề cập nhằm tìm kiếm giải pháp.

Đình Tây Đằng (Ba Vì) được trùng tu nhưng vẫn bảo tồn đúng giá trị văn hóa. Ảnh: Ngọc Linh


Câu chuyện của "một người lạc lõng"

Nói về tình yêu với di sản làng xã, anh Trần Ngọc Đông, một thanh niên hơn 30 tuổi xuất thân từ làng Hương Canh - Vĩnh Phúc không giấu nổi niềm tự hào: Làng Hương Canh được bao bọc bởi lũy tre xanh, có không gian văn hóa chứa đựng nhiều di sản làng xã với 3 ngôi đình, 4 ngôi chùa, 3 miếu thờ, 21 điếm xóm, 9 cổng làng, 9 giếng đá cổ... Đến nay, nhiều di sản không còn nhưng các di tích được lưu giữ như đình Hương Canh, đình Ngọc Canh, chùa Kính Phúc, chùa Tiên Hường… vẫn là niềm tự hào của mỗi người dân, mỗi gia đình...

Lớn lên cùng những câu chuyện truyền miệng từ người cao tuổi trong gia đình, dòng họ; gắn bó với những hoạt động vừa linh thiêng, vừa gần gũi quanh những ngôi đình, ngôi chùa, anh Trần Ngọc Đông cho biết: "Qua nắng mưa, thời gian, các ngôi đình, chùa bị xuống cấp, việc trùng tu là cấp thiết, nhằm đáp ứng mong mỏi của mỗi người dân Hương Canh, nhưng quá trình trùng tu có quá nhiều vấn đề. Tôi đi làm xa nhà, một ngày về thăm chùa làng, nghe chuyện toàn bộ tượng cũ của chùa Kính Phúc sẽ được thay mới. Tôi cảm thấy bàng hoàng vì các cụ, các bà, các mẹ đã dễ dàng đồng ý thay những tượng Phật linh thiêng bao năm gắn bó với đời sống làng quê. Tôi gửi đơn đề nghị dừng việc này lại nhưng không ai nghe, nhiều người bảo sư ông ở làng, sư thầy ở tỉnh về bảo thay. Tôi tự cảm thấy mình lạc lõng giữa bao người. Nhưng cũng nhờ việc xới xáo sự lo ngại về những mất mát do trùng tu, bảo tồn không đúng quy trình của tôi mà những tượng Phật có tuổi đời mấy trăm năm của chùa sau này đã không bị chuyển đi mà được gom vào… một góc trong chùa. Tình cảm giữa tôi và làng xóm bị rạn nứt, tôi bị trách vì không thuận theo quan điểm "cũ thì phải thay". Khi tượng được thay mới, ngôi chùa trở nên lạ lẫm bởi bên cạnh việc thay tượng cũ bằng tượng mới, một số hiện vật mới được đưa vào chùa, như tượng Bạch y Quan âm".

Rút kinh nghiệm từ việc thay mới tượng thờ ở chùa Kính Phúc, sau này, khi đình Tiên Hường (tên cũ là Tiên Canh) được trùng tu, anh Trần Ngọc Đông cố gắng để được biết thông tin về quá trình trùng tu ngay từ đầu. Khi phát hiện đình hạ giải sai quy trình, anh lên tiếng và sau đó, báo giới vào cuộc. Thanh tra Bộ VH,TT&DL về kiểm tra, kết luận việc hạ giải này hoàn toàn sai quy định. Việc trùng tu ngôi đình bị tạm đình chỉ để tiến hành kiểm tra. Anh Trần Ngọc Đông kể: "Khi ấy, cá nhân tôi phải đối diện với làn sóng phản ứng của những người cùng quê, bị coi là người cản trở quá trình trùng tu để đình khang trang hơn. Từ những vụ việc này, tôi cứ băn khoăn mãi: Vì sao những ngôi đình, ngôi chùa từng khiến bao người dân tự hào mà nay mọi người đơn giản coi việc trùng tu là việc của Nhà nước, của nhà chùa, không phải việc của mình? Vì sao mọi người lại từ bỏ một cách dễ dàng đối với những gì làm nên giá trị di tích như vậy? Vì sao những người quan tâm đến việc bảo tồn đúng cách lại bị coi là kẻ đi ngược lại trào lưu, là kẻ lạc lõng?".

Phải tôn trọng vai trò của người dân…

Lý giải việc tại sao người dân lại thờ ơ với việc trùng tu di sản đình, chùa làng mình, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, TS Trần Hữu Sơn cho rằng: Trước đây, đình, chùa là do dân góp công, góp của xây dựng, khác với kiểu trùng tu, xây dựng hiện nay thường do các cơ quan quản lý nhà nước đứng ra làm cho dân, quá trình trùng tu thường thiếu sự tham gia của cộng đồng. Vì vậy, giải pháp đầu tiên chính là phải ràng buộc trách nhiệm của cộng đồng. Đơn vị trùng tu nên mời các nhà nghiên cứu, người dân vào nhóm phản biện về công tác trùng tu, góp phần để cộng đồng giám sát công trình được tốt hơn.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho rằng: "Nên chấm dứt tình trạng bổ sung hiện vật vào di tích. Phải chú trọng trùng tu, bảo tồn. Quan điểm chung về bảo tồn của thế giới thường theo xu hướng bảo tồn nguyên trạng. Ở ta, hầu hết di tích vẫn đang sử dụng cho hoạt động tôn giáo tín ngưỡng, vật liệu xây dựng xưa chủ yếu là gỗ, gạch, ngói - không bền, khó cho việc bảo tồn nguyên trạng. Chính vì vậy, phải có cách bảo tồn đặc biệt đối với di sản, sử dụng tay nghề trình độ cao của nghệ nhân dân gian kết hợp tri thức khoa học, bảo đảm tính nghệ thuật và có mức trả công tương xứng. Do danh mục cần bảo tồn rất lớn nên rất cần có trường đào tạo người làm công tác bảo tồn".

Rất nhiều ý kiến được nêu ra, đều có điểm chung là để di sản làng xã sống trong lòng nhân dân thì cần phải tôn trọng vai trò của người dân, của cộng đồng địa phương - những chủ thể đích thực của văn hóa. Trong quá trình trùng tu bảo tồn di tích, cần bảo đảm tính phản biện, thành lập ban, hội đồng có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, khoa học, tôn trọng ý kiến người dân địa phương để tìm kiếm sự thống nhất trước khi thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tôn trọng chủ thể đích thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.