Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tội phạm tham nhũng, tiêu cực: Phát hiện ít, xử lý nhẹ - vì sao?

Đà Đông| 05/10/2013 06:13

(HNM) - Dù được cảnh báo là quốc nạn và ngày càng diễn biến phức tạp, song trên thực tế, tỷ lệ các đối tượng phạm tội liên quan đến tham nhũng, tiêu cực được hưởng án treo cao hơn các loại tội phạm khác.

Bất động sản là một trong những lĩnh vực nhạy cảm dễ nảy sinh tiêu cực. Ảnh: Như Ý


Án treo chiếm tỷ lệ cao

Theo số liệu của TAND Tối cao, năm 2010 tỷ lệ án treo trong xử lý tội phạm tham nhũng chiếm 36,5%; năm 2011 con số đó là 37,1%; còn năm 2012 là 30,2%. Trong báo cáo mới nhất của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trình phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, so với cùng kỳ năm 2012, việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng tăng cả về số vụ và số người phạm tội (khởi tố tăng 8 vụ với 91 bị can; truy tố tăng 91 vụ với 202 bị can). Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng lại giảm 34%, chỉ có 36 người đứng đầu bị xử lý, trong đó 4 người bị xử lý hình sự. 6 tháng đầu năm 2013, dù tỷ lệ án treo với tội phạm tham nhũng chỉ còn 28%, mức thấp nhất từ trước tới nay, song theo đánh giá của các chuyên gia pháp luật, tỷ lệ đó vẫn còn là quá cao đối với một loại tội danh để lại cho xã hội những hậu quả nghiêm trọng.

Để làm rõ hơn nội dung nêu trên, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã dẫn ra hàng loạt số liệu liên quan đến công tác xét xử thời gian qua. Trong đó, nhiều vụ án do Viện KSND Tối cao đình chỉ theo khoản 1 Điều 25 (Bộ luật Hình sự) nhưng tài sản sai phạm hoặc thất thoát tới trên 1 tỷ đồng, có những vụ thiệt hại ở mức 6-7 tỷ đồng. TAND tỉnh Ninh Bình cho hưởng án treo đối với 8/9 bị cáo đã xét xử; TAND TP Hà Nội cho hưởng án treo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt cảnh cáo đối với 50/113 bị cáo đã xét xử; TAND tỉnh Bắc Giang cho hưởng án treo đối với 29/61 bị cáo; TAND tỉnh Cà Mau cho hưởng án treo đối với 13/17 bị cáo. Bên cạnh đó, còn hàng loạt tòa án các tỉnh cho hưởng án treo trên 50% số đối tượng phạm tội tham nhũng như: Hòa Bình, Nghệ An, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang…

Thông qua các cuộc giám sát từ tháng 10-2010 đến tháng 4 năm nay, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, việc áp dụng nhiều lần tình tiết giảm nhẹ để xét xử dưới khung hình phạt, sau đó cho hưởng án treo hoặc phạt cải tạo không giam giữ chiếm 31,16% tổng số bị cáo phạm các tội về tham nhũng đã xét xử. Còn tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII diễn ra hồi tháng 6 vừa qua, trước Quốc hội, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, tỷ lệ án treo trong các vụ án liên quan đến tham nhũng chiếm 30,8%, trong khi với các loại án khác tỷ lệ này bình quân là 21%.

Cải cách thể chế là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Ảnh: Linh Ngọc


Có biểu hiện nương nhẹ?

Tỷ lệ tội phạm tham nhũng nhận án treo khá cao như đã nêu ở trên đã khiến dư luận xã hội không khỏi lo lắng về quyết tâm chống tham nhũng của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, thực trạng này còn đặt ra câu hỏi với các cơ quan bảo vệ pháp luật là có hay không việc tùy tiện áp dụng các điều khoản, tình tiết giảm nhẹ được pháp luật quy định?

Mới đây, tại buổi tiếp xúc cử tri trước thềm kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII, cử tri Hà Nội đã thẳng thắn phản ánh về vấn đề này. Chỉ rõ việc chưa có loại tội phạm nào mà tỷ lệ án treo khi tuyên án nhiều như tội tham nhũng, cử tri Nguyễn Khắc Thịnh (phường Giảng Võ, quận Ba Đình) đặt câu hỏi phải chăng các cơ quan chức năng đang "'giơ cao đánh khẽ'' đối với loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm, hại dân, hại nước này?

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2013 chưa đánh giá đúng thực trạng và kết quả xử lý một số vụ tham nhũng thời gian qua và chưa tạo được lòng tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh PCTN. Ở mức độ gay gắt hơn, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị phải làm rõ những vụ án tham nhũng liên quan đến cán bộ, không nên để có tình trạng "người dân bình thường phạm tội, hậu quả thiệt hại khoảng 2 triệu đồng thì bị bắt, đi tù, còn cán bộ nhà nước làm thiệt hại cả mấy tỷ đồng lại được hưởng án treo".

Ngay trong báo cáo thẩm tra về công tác PCTN năm 2013, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm. Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp; việc hoàn thiện thể chế chậm và vẫn còn bất cập, công tác phát hiện tham nhũng còn yếu, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang xảy ra, việc xử lý hành vi tham nhũng có biểu hiện nương nhẹ, vẫn còn tình trạng lạm dụng để xử lý hành chính, không khởi tố vụ án, đình chỉ vụ án, bị can, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

(Còn nữa) 

Một số quy định về án treo tại Điều 60 của Bộ luật Hình sự

Khi xử phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 1 năm đến 5 năm.
Người được hưởng án treo có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. Đối với người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì Tòa án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tội phạm tham nhũng, tiêu cực: Phát hiện ít, xử lý nhẹ - vì sao?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.