(HNM) - Cây bút trẻ Nguyễn Thị Kim Hòa (sinh năm 1984) của vùng đất Phan Rang, Ninh Thuận, đã được biết đến trong những năm gần đây, gây ấn tượng với một giọng văn già dặn tha thiết niềm yêu cuộc sống.
Đặc biệt, trong năm 2015, chị đã trở thành chủ nhân của hai giải nhất - Cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội (2013-2014) và Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch (2013-2015). Kim Hòa cũng được bạn văn yêu quý bởi một nghị lực sống và viết mạnh mẽ. Chị có cuộc trò chuyện cởi mở với phóng viên Hànộimới.
Nhà văn trẻ Nguyễn Thị Kim Hòa và tác phẩm “Đỉnh khói”. |
- Năm 2015 với chị hẳn là một năm nhiều dấu ấn khi giành giải nhất tại cả hai sân chơi uy tín của văn xuôi...
- Đúng là những giải thưởng này mang lại cho tôi rất nhiều niềm vui trên con đường viết cực nhọc. Tôi hạnh phúc bởi qua đó mình được bạn đọc biết đến nhiều hơn, có thêm những cuộc gặp gỡ, giao lưu với bạn văn ở Hà Nội và nhiều nơi khác trên cả nước. Nhưng người viết ở đâu cũng vậy, sau giải thưởng vẫn là trang giấy trắng và cả một chặng dài thử thách phía trước…
- Chị có thể chia sẻ với bạn đọc những tác phẩm sắp ra mắt hoặc đang hoàn thiện của mình? Lúc này, đôi tay yếu, từng khiến chị gặp khó khăn khi cầm bút, đánh máy, có ảnh hưởng đến công việc viết văn của chị nhiều không?
- Sức khỏe yếu cũng khiến tôi mệt nhọc, bực bội chút xíu, tạm thời tôi không dám theo đuổi truyện dài mà chỉ dám gắn bó với truyện ngắn. Sắp tới, tại Hội sách Giáng sinh cuối năm ở Hà Nội, tôi cũng được đóng góp hai tác phẩm mới là truyện vừa dành cho thiếu nhi mang tên "Cút cà cút kít" - NXB Kim Đồng và tập truyện ngắn "Leng keng Noel" của NXB Phụ nữ. Hiện tôi đang cố gắng hoàn thành tập truyện ngắn về đề tài lịch sử mà nhân vật chính đều là những người phụ nữ trong thời kỳ phong kiến vốn bị "đóng đinh" bởi lối nhận định một chiều - cả về nhân cách, công tội… Tôi mong có thể mang đến một cái nhìn mới, một tiếng nói từ bên trong mỗi số phận, hy vọng cùng nhau mở rộng sự thấu hiểu của chúng ta với lịch sử và với chính cuộc sống hôm nay.
- Có vẻ như chị không dừng lại ở riêng một đề tài nào. Và giọng văn nữa, rất già dặn, hầu như đọc truyện chị ít ai nghĩ tác giả thuộc thế hệ 8X?
- Có người cho rằng viết về lịch sử không dễ, nhất là đối với người viết trẻ thuộc thế hệ 8X như chúng tôi. Nhưng với tôi, viết nhiều khi như một sự thôi thúc bản năng. Lo lắng là có nhưng tôi không ngại những đề tài mới và khó bởi việc thử sức luôn mang đến cho người viết niềm cảm hứng lớn. Viết về lịch sử hay chiến tranh, theo tôi, mặc dù việc dựng lại bối cảnh luôn là thách thức nhưng chúng ta có thể tìm kiếm sự bổ sung sự hiểu biết của mình về quá khứ, thông qua sách vở cũng như nhiều nguồn thông tin khác. Quan trọng là sự chiêm nghiệm, thấu hiểu, trí tưởng tượng có đủ để đưa chúng ta tới với nhân vật một cách trọn vẹn hay không.
Tôi nghĩ sự già dặn, chín chắn không hoàn toàn phụ thuộc vào tuổi tác, nó phụ thuộc vào cách sống và cách nhìn cuộc sống của mỗi người. Tôi còn nhớ, nhà văn Võ Thị Xuân Hà từng chia sẻ rằng khi đọc truyện ngắn đầu tiên của tôi, chị cứ tưởng tác giả phải ngoài 40 tuổi (cười).
- Trong các tác phẩm của chị, dấu ấn phương ngữ rất rõ nét?
- Với tôi thì sử dụng phương ngữ khi viết cũng là đòi hỏi tự nhiên, bởi những lời ăn tiếng nói mang đậm hơi thở địa phương cũng góp phần chuyển tải phong tục tập quán, lối sống của nhân vật ở các vùng đất riêng của họ. Có thể bạn đọc sẽ cảm thấy có đôi chút khó khăn khi tiếp nhận tác phẩm, nhưng nếu ai yêu văn học thì sẽ vượt qua được chút xíu thách thức này, thậm chí sẽ thấy thú vị…
- Có lẽ là mỗi nhà văn đều có một vùng đất riêng của mình để từ đó mở rộng cánh cửa đến với thế giới. Chị có thể nói gì về vùng đất Phan Rang, Ninh Thuận của mình?
- Phan Rang, Ninh Thuận quê tôi vẫn được mọi người nói vui là "cái gì cũng có mà hổng có cái gì" (cười). Nơi đây có đủ cả địa hình sa mạc, núi, biển, vịnh… nhưng khí hậu rất khắc nghiệt, người dân phải vượt qua nhiều khó khăn mới có thể ổn định cuộc sống. Văn học và nhiều lĩnh vực khác, do vậy, chưa có điều kiện phát triển như ở các thành phố lớn. Tôi mong muốn, qua những trang viết đậm chất vùng miền của mình, có thể chuyển tới bạn đọc hình ảnh về cuộc sống, con người ở vùng đất nắng gió này.
Với người viết thì bao giờ cũng vậy, trang viết đầu tiên là trang viết bắt đầu từ nơi mình đã sống, đã buồn vui cùng nó. Tôi nghĩ người viết văn cứ bám vào một vùng đất để khai thác nó là cũng đủ cho cả một đời cầm bút. Vấn đề chỉ là ta viết có tới được những tầng sâu của nó hay không thôi.
- Bạn văn biết đến chị không chỉ với tư cách người cầm bút mà còn là một cô giáo với những lớp học tại nhà cho trẻ khó khăn?
- Vì lý do sức khỏe, xin việc khó khăn nên gần 10 năm nay, tôi mở một lớp học tại nhà. Lớp chủ yếu dành cho trẻ ở trong vùng, một phần giúp tôi ổn định cuộc sống nhưng cũng là nơi tôi có thể hỗ trợ thêm cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Tất cả có hơn 40 em nhưng trải từ lớp 2 đến lớp 9 (cười), trừ các em cấp I phải dạy tất cả các môn, với số còn lại tôi chủ yếu hỗ trợ các em hai môn chính là văn và tiếng Anh. Tôi hay mua sách và cũng được bạn bè tặng sách nên tụi trẻ đến học đều có thể tranh thủ đọc lúc ra chơi. Tụi trẻ dễ thương lắm, cũng thường hay hỏi "cô ơi, cô viết chi đó?". Qua những giờ học, trò chuyện của mình, tôi mong các em sẽ yêu thích việc đọc sách, chịu khó tìm tòi, học hỏi. Tôi tin là với việc yêu thích sách văn học, trẻ sẽ sống có ước mơ hơn, có tình người hơn, bớt đi sự vô cảm - điều đáng sợ nhất với con người hiện nay.
- Cảm ơn chị! Chúc chị mạnh khỏe để tiếp tục con đường văn chương của mình!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.