(HNMO) - Sáng 9-9, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đã công bố những thông tin làm rõ vì sao tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - ga Hà Nội có tốc độ chạy tàu trung bình 35km/h.
Ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng ban MRB cho biết, đoàn tàu tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đang được lắp ráp tại Pháp.
Theo kế hoạch, đoàn tàu đầu tiên sẽ về Việt Nam vào tháng 7-2020 để đáp ứng tiến độ vận hành đoạn trên cao vào tháng 4-2021 và vận hành toàn tuyến vào năm 2022. Khi về Việt Nam, đoàn tàu sẽ được vận hành thử nghiệm và tích hợp hệ thống đến khi đạt yêu cầu và bảo đảm chất lượng sẽ được đưa vào khai thác.
Khi hoàn thành và đi vào hoạt động, tàu sẽ có thể chuyên chở khoảng 850 - 950 hành khách/đoàn tàu, với mật độ khoảng 6 - 8 người/m2 và khai thác với tốc độ thương mại 35km/h. Tốc độ thiết kế 80km/h là tốc độ khai thác, vận hành tối đa của đoàn tàu đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.
Các đoàn tàu điện ngầm tại Paris (Pháp), Berlin (Đức)… và các đô thị khác tại châu Á cũng được thiết kế với tốc độ vận hành trên. Đây được coi là tiêu chuẩn thiết kế của các tuyến tàu điện trên thế giới.
Với tốc độ thương mại 35km/h, kết hợp với những ưu điểm đáng kể như độ thoải mái của người dùng, độ an toàn, chi phí, khoảng cách trạm đón trả khách, độ đúng giờ và mức độ tiện lợi của đường đi so với quãng đường hành khách vẫn di chuyển, đường sắt đô thị trở thành phương tiện công cộng tối ưu nhất.
Tính chất tàu là dừng đón, trả khách liên tục, việc tăng tốc lên quá cao sẽ rất tốn chi phí vận hành khi phải “phóng nhanh, phanh gấp” suốt 12 lần liên tục. Hơn nữa, các nhà ga cách nhau trung bình 1 km, tốc độ tối đa 35km/h sẽ chỉ tương đương với 2 phút di chuyển.
Lý giải thêm về việc tàu chạy với tốc độ thương mại 35km/h, ông Julien Barjou - Giám đốc kỹ thuật của liên danh nhà thầu ALSTOM - COLAS RAIL - THALES cho biết, quãng đường từ Nhổn - ga Hà Nội có chiều dài 12,5 km, bao gồm 8,5 km đường sắt trên cao và 4 km ngầm từ Kim Mã tới ga Hà Nội. Tổng cộng 12 nhà ga được trải đều trên đường đi với 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Như vậy, tàu sẽ đón trả khách liên tục trong quãng đường 12,5 km đó, dự tính cứ mỗi một km (tương ứng với mỗi ga) sẽ dừng một lần.
Tốc độ thương mại được tính bằng khoảng cách di chuyển từ ga số 1 đến cuối hành trình ở ga số 12 chia cho thời gian di chuyển. Các yếu tố ảnh hưởng đến thời gian di chuyển bao gồm: Thời gian dừng tàu tại các ga đón trả khách; thời gian quay đầu tại ga cuối cùng; thời gian gia tốc khi tàu xuất phát để đạt được tốc độ tối ưu; thời gian từ khi bắt đầu hãm giảm tốc độ và dừng hẳn tại các ga.
Để đạt được tốc độ thương mại khoảng từ 35km/h đến 38km/h, tàu bắt đầu tăng tốc từ vận tốc 0km/h từ ga số 1 và các ga dọc hành trình đến vận tốc khoảng 72km/h đến 74 km/h rồi lại giảm về 0 khi đến ga tiếp theo và hành trình như vậy cứ đều đặn lặp lại cho đến ga cuối cùng.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, thiết kế này là tối ưu, các dự án khác trên thế giới cũng dựa trên nguyên lý cơ bản và tiêu chuẩn như vậy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.