Ngày 5-8, cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus thuộc Liên minh châu Âu (EU) công bố báo cáo cho thấy, tháng 7 vừa qua là tháng nóng nhất trên toàn cầu được ghi nhận trong lịch sử.
Cụ thể, trên toàn cầu, nhiệt độ trong tháng 7 năm nay cao hơn 0,04 độ C so với tháng nóng kỷ lục trước đây là tháng 7-2016. Tuy nhiên, mức kỷ lục mới được thiết lập này đáng chú ý hơn bởi năm 2016 là năm nóng nhất trong lịch sử do Trái đất chịu tác động của hiện tượng thời tiết El Nino làm tăng nhiệt độ toàn cầu, bên cạnh nguyên nhân từ các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính được xả vào bầu khí quyển do hoạt động tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.
Trên toàn châu Âu, trong đợt nắng nóng tháng 7 vừa qua, nhiều mức kỷ lục đã được thiết lập, thậm chí tại các khu vực như Bắc Cực cũng ghi nhận nhiệt độ tăng cao bất thường.
Theo báo cáo của cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus, nhiệt độ trung bình trong tháng 7-2019 tăng cao nhất so với các mốc từ năm 1981 đến 2010 ở khu vực Alaska, Greenland, Siberia, Trung Á, Iran và một vùng rộng lớn ở Nam Cực. Nhiệt độ tại phần lớn lục địa châu Phi và châu Đại Dương đều tăng cao hơn so với mức trung bình.
Trong một tuyên bố, người đứng đầu cơ quan trên, Jean-Noel Thepaut nói: "Theo dữ liệu của chúng tôi, tháng 7 vừa qua là tháng nóng nhất được ghi nhận trên toàn cầu. Kỷ lục này sẽ bị phá trong tương lai trong bối cảnh tình trạng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn tiếp diễn trên thế giới".
Trong một thông cáo báo chí, cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus cho biết, mức độ chênh lệch nhiệt tăng trên là rất nhỏ, trong khi các mạng lưới giám sát thời tiết dựa vào vệ tinh như cơ quan Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) có thể ghi nhận nhiệt độ trong tháng 7-2019 bằng hoặc thấp hơn một chút so với nhiệt độ kỷ lục được ghi nhận vào tháng 7-2016.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.