Môi trường

Vì sao nắng nóng đến sớm và đặc biệt gay gắt?

Thu Phương (TTXVN) 30/04/2024 - 06:30

Những ngày qua, nắng nóng đặc biệt gay gắt đã và đang hoành hành ở hầu khắp các khu vực trên cả nước, khiến cuộc sống của nhiều người dân đảo lộn.

Chú thích ảnh
Mặc dù là ngày nghỉ lễ nhưng những con phố đi bộ như Tràng Tiền, Đinh Tiên Hoàng vắng bóng người bởi nắng nóng gay gắt. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Ngay từ đợt nắng nóng đầu tiên trong năm, nền nhiệt nhiều nơi có lúc lên tới trên 40 độ C, cá biệt trên 42 độ C. Ngay tại Thủ đô Hà Nội, nền nhiệt trong đợt nắng nóng đầu tiên của năm nay đã lên tới trên 39 độ C, không khí rất oi bức. Sự xuất hiện của nắng nóng sớm đã cho thấy sự thay đổi bất thường của khí hậu. Một mùa hè có nắng nóng gay gắt đã đến.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, nắng nóng năm nay có 3 đặc điểm chính: Đến sớm, số đợt nắng nóng nhiều hơn trung bình nhiều năm, cường độ gay gắt hơn trung bình nhiều năm; có thể xuất hiện giá trị nhiệt cao lịch sử.

Nguyên nhân nắng nóng ở miền Bắc và miền Trung đến sớm do tác động của hiện tượng El Nino làm nền nhiệt trung bình trên cả nước đều có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm. Nam Bộ, Trung Bộ xuất hiện nắng nóng sớm hơn 1 tháng. Với Bắc Bộ, đợt nắng nóng năm nay đến sớm hơn 1 tháng, nền nhiệt gay gắt, cao hơn trung bình nhiều năm.

Ông Nguyễn Văn Hưởng cũng cho biết, nắng nóng đến sớm là hiện tượng bất thường, xảy ra lần thứ ba kể từ năm 1991. "Dưới tác động của hiện tượng El Nino, nhiệt độ cả nước đều có xu hướng tăng, nắng nóng đến sớm. Chúng tôi nhận định cao điểm nắng nóng ở Hà Nội và miền Bắc sẽ là các tháng 5, 6, 7, 8", ông Hưởng cho biết.

Theo các chuyên gia Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 30-4 đến 1-5, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 39-42 độ C, có nơi trên 42 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 30-35%. Riêng Thanh Hóa, Nghệ An ngày 1-5 nắng nóng suy giảm.

Bắc Bộ trong ngày 30-4 có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36-39 độ C, có nơi trên 39 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 40-45%. Riêng khu vực Tây Bắc có nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 39-42 độ C, có nơi trên 42 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 30-35%; ngày 1-5 nắng nóng suy giảm.

Tây Nguyên và Nam Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ C, có nơi trên 39 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 45-50%. Khu vực từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 55-60%.

Nắng nóng ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ còn có khả năng kéo dài. Từ ngày 3-5, nắng nóng có khả năng quay trở lại khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Tây Nguyên và Nam Bộ từ khoảng ngày 4-5/5 nắng nóng giảm dần. Độ rủi ro thiên tai do nắng nóng ở cấp 1; riêng khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Phú Yên cấp 2.

Do ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp, người dân cần đề phòng nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Nắng nóng không chỉ gây ra những vấn đề về sức khỏe mà còn có nhiều hệ lụy khác như gia tăng nguy cơ cháy nổ do nhu cầu sử dụng điện tăng cao, hay gây ra hiện tượng đảo nhiệt đô thị. Đây là dấu hiệu cho thấy thời tiết đang ngày càng bất thường.

Thời tiết nắng nóng còn gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân, là điều kiện để một số loại bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát trong cộng đồng. Ngành Y tế khuyến cáo trong khoảng thời gian từ 11 giờ đến 15 giờ là đỉnh điểm tác động của tia cực tím, người dân nên hạn chế ra ngoài, đặc biệt là đối với trẻ em. Trong trường hợp bắt buộc phải ra ngoài trời nắng, người dân cần sử dụng mũ, quần áo chống nắng, không để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng; uống nhiều nước, không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; thực hiện ăn chín, uống sôi; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao nắng nóng đến sớm và đặc biệt gay gắt?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.