Thế giới

Tòa án Albania sẽ ra phán quyết về thỏa thuận di cư với Italia

Kim Phượng 18/01/2024 - 16:19

Theo Guardian ngày 18-1, một tòa án ở Albania sẽ ra phán quyết về việc liệu thỏa thuận về người di cư với Italia có vi phạm hiến pháp hay không khi cho phép lãnh thổ Albania được sử dụng làm trung tâm tiếp nhận những người muốn vào Liên minh châu Âu (EU) bằng đường biển.

albania.jpg
Số lượng người di cư đến Italia bằng đường biển tăng 50% vào năm 2023 so với năm 2022. Ảnh: Reuters

Thỏa thuận được Thủ tướng Italia Giorgia Meloni công bố vào tháng 11-2023. Theo đó yêu cầu Albania trao cho Italia quyền sử dụng một số khu vực nhất định trên lãnh thổ nước này để thành lập các trung tâm quản lý người di cư bất hợp pháp. Rome sẽ xây dựng 2 trại tiếp nhận và giam giữ người di cư tại Albania với số lượng tối đa 3.000 người trong cùng thời điểm. Các cơ sở này sẽ do nhân viên người Italia điều hành và triển khai hoạt động.

Thủ tướng Giorgia Meloni đã lập luận rằng kế hoạch này là cần thiết nhằm giảm số lượng người di cư đến Italia bằng đường biển, vốn đã tăng 50%, từ gần 104.000 năm 2022 lên gần 156.000 năm 2023.

Theo thỏa thuận, được phân bổ đến Albania sẽ là những người được các thuyền của Italia cứu. Trẻ vị thành niên, phụ nữ mang thai và những người dễ bị tổn thương sẽ được đưa đến Italia. Ðáng chú ý, 2 trung tâm nói trên sẽ được quản lý dưới quyền tài phán của Italia, làm dấy lên lo ngại về việc áp dụng luật pháp Italia và EU ở một quốc gia không thuộc khối 27 thành viên này.

Tháng 12-2023, Tòa án hiến pháp của Albania đã ngăn chặn các nhà lập pháp nước này phê chuẩn thỏa thuận, trong đó Chánh án Olta Zaçaj thông báo về một phiên điều trần công khai vào hôm nay (18-1, giờ địa phương) để xác định xem liệu thỏa thuận có vi phạm hiến pháp của Albania hay không.

Theo các nhà phân tích thỏa thuận này gây ra một số khó khăn pháp lý khi cho rằng, nếu để Rome thực thi quyền tài phán của mình ở Albania, Tirana thực sự sẽ phải nhượng lại một phần lãnh thổ của mình cho Rome.

Vương quốc Anh cũng có thỏa thuận di cư với Albania, nhưng thỏa thuận đó chỉ liên quan đến việc đưa người Albania trở về quê hương của họ.

Trong các cuộc họp tại Quốc hội Italia giữa các chuyên gia nhập cư và các nghị sĩ, một số học giả đã chỉ ra rằng thực tế không thể đảm bảo tiêu chuẩn tương tự về quyền tị nạn ở nước ngoài.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Italia Antonio Tajani đã bác bỏ các cáo buộc. Ông nói: “Không có việc giao xử lý đơn xin tị nạn cho một nước thứ ba và không có sự xúc phạm đến các quyền được quốc tế bảo đảm, vốn đã được tái khẳng định rõ ràng nhiều lần trong nghị định thư”. Rome cũng cho biết thỏa thuận này có thể được nhân rộng ở các khu vực khác của châu Âu.

Ủy viên Nhân quyền của Hội đồng Châu Âu, Dunja Mijatović, đã cảnh báo rằng thỏa thuận này có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm: “Việc một số quốc gia chuyển giao trách nhiệm xuyên biên giới cũng khuyến khích những quốc gia khác làm điều tương tự, điều này có nguy cơ tạo ra hiệu ứng dây chuyền có thể làm suy yếu hệ thống bảo vệ quốc tế của châu Âu và toàn cầu”.

Để đổi lấy sự ủng hộ của Thủ tướng Albania Edi Rama đối với vấn đề di cư, Thủ tướng Giorgia Meloni cho biết sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để hỗ trợ Albania gia nhập EU.

“Albania tiếp tục là một quốc gia thân thiện và mặc dù chưa phải là thành viên EU nhưng nước này vẫn cư xử như thể mình là một thành viên. Đây là một trong những lý do khiến tôi tự hào rằng Italia luôn là một trong những quốc gia ủng hộ việc mở rộng sang phía Tây Balkan”, Thủ tướng Meloni nói hồi tháng 11-2023.

Theo số liệu mới nhất vừa công bố, hơn 2.500 người di cư đã chết hoặc mất tích vào năm 2023 khi cố gắng vượt qua biển Địa Trung Hải từ Bắc Phi để đến châu Âu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tòa án Albania sẽ ra phán quyết về thỏa thuận di cư với Italia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.