(HNM) - Đất nước ta đang chủ động hội nhập vào tiến trình toàn cầu hóa với đổi mới của nền kinh tế ngày càng sâu rộng đi đôi với việc bảo đảm lợi ích quốc gia dân tộc. Phát huy cao nhất nội lực và tranh thủ hiệu quả nguồn lực bên ngoài để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, xây dựng đất nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 4,5 triệu người, đang sinh sống, lao động, học tập tại 109 nước và vùng lãnh thổ; trong đó khoảng 400.000 chuyên gia, trí thức có trình độ từ đại học trở lên. Hằng năm, vẫn có hàng trăm kiều bào về nước làm việc, tham gia vào các chương trình hợp tác nghiên cứu và triển khai khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo... Ước tính, khoảng 80% người Việt thành đạt ở nước ngoài sống ở các nước phát triển. Đây là một nguồn lực to lớn.
Nét chung của trí thức kiều bào là tinh thần dân tộc, tình yêu quê hương và mong muốn được đóng góp xây dựng đất nước. Thế hệ trí thức trẻ người Việt Nam ở nước ngoài đang không ngừng lớn mạnh. Họ luôn muốn tìm về cội nguồn, đóng góp công sức của mình xây dựng quê hương. Vì thế, họ cũng mong được tạo điều kiện thuận lợi cho việc hỗ trợ, đầu tư cho các hoạt động khởi nghiệp ở trong nước.
Thực tế những năm qua, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài được Đảng và Nhà nước ta ngày càng quan tâm, tạo điều kiện để các mong ước của bà con kiều bào được thực thi, tăng cường gắn kết tình cảm với quê hương của cộng đồng. Ngày 26-3-2004, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TƯ về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Tiếp đến, ngày 19-5-2015, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 45-CT/TƯ về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TƯ về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Những đột phá trong chính sách đã góp phần cổ vũ, động viên người Việt Nam ở nước ngoài nâng cao ý thức tự hào dân tộc, lòng yêu nước, gắn bó với quê hương đất nước. Đặc biệt là phát huy được nguồn lực kiều bào đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy vậy, hiện nay so với tiềm năng và thế mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có đông đảo trí thức và nhà khoa học thì kết quả thu được còn hạn chế. Yêu cầu đặt ra trong những năm tới là xây dựng cơ chế, chính sách mang tính đột phá để khai thác hiệu quả nguồn lực này, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Trong đó, xác định tiêu chí lựa chọn và thu hút người tài, xây dựng các tiêu chuẩn, quy định sàng lọc để hấp dẫn được những cá nhân xuất sắc nhất trong cộng đồng, khuyến khích sự tham gia tích cực của họ vào công cuộc xây dựng quê hương. Không nhất thiết người Việt ở nước ngoài phải hồi hương mới là phục vụ đất nước, mà trong thời đại khoa học công nghệ hiện nay, có thể thực hiện tình cảm, lòng khao khát cống hiến cho quê hương từ bất cứ nơi nào trên thế giới. Điều này đòi hỏi sự thay đổi, tạo ra những điều kiện làm việc cơ bản, có những cơ chế, những quan tâm thiết thực đến đội ngũ trí thức để động viên được họ một cách hiệu quả. Phải coi đây là điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất.
Đến nay, các chính sách của Đảng và Nhà nước đều khẳng định: Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Dân tộc ta là một, chỉ có đại đoàn kết mới có được đại thành công.
Tại cuộc gặp mặt đại biểu kiều bào diễn ra hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Tổ quốc lắng nghe hơi thở của bà con, lắng nghe những ý kiến đóng góp của bà con dành cho đất nước”, đồng thời chia sẻ về khát vọng của đất nước và nhân dân phấn đấu trở thành “một con hổ mới về kinh tế”. Mục tiêu đó chỉ có thể đạt được bằng ý chí, quyết tâm của toàn dân tộc trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh to lớn của đất nước và trí tuệ Việt Nam và đặc biệt là dựa trên tinh thần đại đoàn kết của người dân Việt Nam trong và ngoài nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.