(HNMO) - Sáng 8-1, Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội triển khai nhiệm vụ năm 2015. Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Trần Thị Bích Thủy; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái; Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến; các đồng chí UVTV Thành ủy, Trưởng các ban Đảng dự hội nghị.
Đánh giá kết quả năm 2014, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Trần Thị Bích Thủy khẳng định, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu thực hiện tốt Quy chế dân chủ (QCDC) ở các loại hình cơ sở; thực hiện có nền nếp việc tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận; hưởng ứng mạnh mẽ, hiệu quả phong trào thi đua “dân vận khéo” và có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong phương thức hoạt động, đào tạo, bồi dưỡng công tác dân vận cho cán bộ của hệ thống chính trị. Trong vòng một năm, Ban chỉ đạo thực hiện QCDC thành phố đã tiến hành kiểm tra 100 xã, phường, thị trấn và 6 trường đại học.
Ban chỉ đạo thực hiện QCDC các quận, huyện, thị xã, đảng ủy trực thuộc đã kiểm tra được 350 đơn vị, cơ sở. Việc thực hiện QCDC ở cơ sở, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá được quan tâm chỉ đạo, tạo bầu không khí cởi mở, đồng thuận, thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền.
Năm 2014 cũng cho thấy sự chủ động, hiệu quả của Ban Dân vận Thành ủy và các cấp ủy trong việc tham mưu cho các cấp ủy giải quyết 11 vụ việc khiếu kiện, tranh chấp phức tạp của đạo Công giáo; việc chủ động ngăn ngừa những phức tạp xảy ra khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta...
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái trao cờ đơn vị thi đua cho 4 tập thể. |
Bên cạnh kết quả này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái cũng ghi nhận những đóng góp của Ban Dân vận Thành ủy và các cấp ủy trong thành tựu chung của toàn thành phố năm 2014. Điển hình là chương trình xây dựng nông thôn mới, nhờ thực hiện tốt công tác dân vận, Hà Nội đã dẫn đầu của nước về phong trào này với 100 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm hơn 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới của cả nước. “Điều chúng tôi tâm đắc, trong những năm qua, nhất là năm 2014, Ban Dân vận Thành ủy và các cấp ủy đã góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên về việc thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy và công tác dân vận.
Nếu chỉ nói với bà con nhân dân rằng, chúng tôi triển khai xây dựng nông thôn mới, ai có tiền thì đóng góp, chắc chắn sẽ không thu được kết quả. Nhưng, những cán bộ dân vận, MTTQ và các đoàn thể đã gặp gỡ, tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục, giúp người dân hiểu và tích cực hưởng ứng đóng góp công sức, tiền của, đất đai mở rộng đường, xây dựng công trình... để phục vụ lợi ích của chính người dân. Đó chính là thành công của công tác dân vận”- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận trên địa bàn Thủ đô vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm. Đó là việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở trong một số cơ quan nhà nước, doanh nghiệp còn hình thức, nhiều nơi chưa kịp rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế, quy ước; công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, thiếu chiều sâu. Kết quả giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội một số địa phương còn khó khăn, lúng túng, chưa hiệu quả...
Nhấn mạnh năm 2015 diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái chỉ đạo, Ban Dân vận Thành ủy cần đẩy mạnh thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về tăng cường sự đổi mới của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Đặc biệt, Ban Dân vận Thành ủy và các cấp ủy tích cực triển khai Quyết định số 217-QĐ/TƯ, Quyết định số 218-QĐ/TƯ ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị -xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”.
Hệ thống dân vận cấp ủy cũng cần tập trung theo dõi sát tình hình các tầng lớp nhân dân, tổng hợp tâm tư, nguyện vọng, dư luận nhân dân trong quá trình diễn ra đại hội đảng các cấp và những lĩnh vực nhân dân có nhiều bức xúc, vấn đề mới nảy sinh, qua đó kịp thời tham mưu cho các cấp ủy giải quyết bằng công tác dân vận; đồng thời lựa chọn những cán bộ tâm huyết, đủ điều kiện tham gia cấp ủy, thường vụ cấp ủy...
Đặc biệt, hệ thống dân vận cấp ủy cần phát huy cao độ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đóng góp tích cực vào quá trình tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng; tổ chức và vận động nhân dân đóng góp nhiều ý kiến thiết thực vào dự thảo văn kiện đại hội đảng các cấp. Bên cạnh đó cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ đồng bộ giữa Ban chỉ đạo thực hiện QCDC, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội trong việc triển khai xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; nâng cao hiệu quả giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong thực hiện QCDC ở cơ sở. Ban dân vận các cấp ủy cũng cần chủ động tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền, ban ngành chức năng nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng ngừa, giải quyết hiệu quả các vấn đề phức tạp phát sinh liên quan đến tôn giáo, vừa bảo đảm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng chính đáng của các tôn giáo, nhưng kiên quyết đấu tranh, xử lý các đối tượng lợi dụng tôn giáo hoạt động gây phức tạp về an ninh trật tự, vi phạm pháp luật...
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái đã tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba cho 3 cá nhân. Dịp này, Ban Dân vận Trung ương tặng Bằng khen 5 tập thể; BTV Thành ủy tặng Bằng khen 22 tập thể, cá nhân; UBND thành phố tặng Cờ Đơn vị xuất sắc phong trào thi đua năm 2014 cho 4 tập thể; Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen 3 tập thể, cá nhân; Ban Dân vận Thành ủy khen thưởng 28 tập thể, cá nhân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.