(HNM) - Tại hội nghị sơ kết một năm thực hiện dự án
(HNM) - Tại hội nghị sơ kết một năm thực hiện dự án "Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng" diễn ra vào giữa tháng 8-2015, bà Lê Quỳnh Lan, Giám đốc Plan vùng Hà Nội nhận định: Nhiều chuyển biến đã được ghi nhận tại 20 trường THCS, THPT thụ hưởng dự án, điển hình là các hành vi bạo lực trong trường học giảm hẳn so với các năm trước. Giáo viên, cha mẹ và HS đều ghi nhận tính hữu ích, thiết thực của dự án trong công tác phòng, chống và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong trường học.
Học sinh Trường THCS Vạn Thắng (Ba Vì) hưởng ứng hoạt động của dự án “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng”. |
Để đạt được kết quả này, dự án đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của Sở GD-ĐT Hà Nội, kịp thời phối hợp, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai. Ngoài ra, dự án còn có sự tham gia tích cực của ban giám hiệu các trường, đội ngũ giảng viên nguồn, giáo viên, HS và phụ huynh. Những kết quả ban đầu của dự án và các điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai là nền tảng để đặt niềm tin vào sự thành công của dự án vào cuối năm sau.
Nhiều nội dung đã được thực hiện trong một năm qua, điển hình như xây dựng tài liệu giảng dạy, sách bài tập về phòng chống, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho HS, tài liệu hướng dẫn thiết lập, vận hành phòng tham vấn, tài liệu hướng dẫn thiết lập và vận hành câu lạc bộ lãnh đạo trẻ; nâng cao kiến thức và kỹ năng cho HS thông qua các giờ dạy và nhiều hoạt động về giáo dục bình đẳng giới; tạo sự vào cuộc chủ động của HS trong việc ngăn ngừa, ứng phó với bạo lực giới bằng việc xây dựng nhóm lãnh đạo trẻ, coi đây là hạt nhân truyền thông ở mỗi nhà trường… Các hoạt động của dự án không chỉ hướng đến đối tượng là HS, mà còn tạo sự vào cuộc tích cực của cha mẹ HS trong việc phòng chống và ứng phó với bạo lực giới. Hơn 25 nghìn phụ huynh đã được trang bị kiến thức, kỹ năng về việc này. Sự tham gia của các cơ quan báo chí truyền thông cũng góp phần tạo nên những chuyển biến trong xã hội về vấn đề bình đẳng giới thời gian qua.
Một trong những điểm nhấn của dự án là đã thiết lập và vận hành thành công mô hình phòng tham vấn tâm lý ở 20 trường phổ thông. Từ những e dè ban đầu, đến nay, hầu hết HS không chỉ quen với sự hiện diện của mô hình phòng tham vấn, mà còn chủ động tìm sự hỗ trợ của các chuyên gia khi gặp khủng hoảng trong học tập và cuộc sống. Theo thống kê của ban điều hành dự án, khoảng 5% số HS các trường đã biết, tin tưởng và tìm đến phòng tham vấn khi cần thiết. Các nhà trường đã tham vấn hàng nghìn ca, hỗ trợ xử lý nhiều vấn đề về bạo lực tinh thần, bạo lực thân thể, quấy rối tình dục, khó khăn trong học tập, mối quan hệ với bạn bè, thầy cô giáo và cha mẹ… Phòng tham vấn tâm lý còn là địa chỉ tin cậy của nhiều phụ huynh, giáo viên trong thời gian qua. Đây là sự khởi đầu tốt, tạo tiền đề khả quan cho những hoạt động tiếp theo của dự án.
"Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng" là dự án do Sở GD-ĐT Hà Nội và Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam triển khai từ tháng 6-2014 đến tháng 11-2016 với sự tài trợ của Quỹ ủy thác của Liên hợp quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.