Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tính toán kỹ trước khi làm

Vũ Duy Thông| 18/06/2013 05:43

(HNM) - Mới đây, UBND quận Hoàn Kiếm vừa họp báo công bố dự án giãn dân phố cổ của thành phố đã được khởi động. Theo đó, đến năm 2020, Hà Nội sẽ hoàn thành di chuyển 6.550 hộ với khoảng 26.200 người ra khỏi những khu phố cũ chật hẹp, hạ tầng thấp kém.

Quận Hoàn Kiếm sẽ là đơn vị đầu tiên thực hiện công tác di dời, bắt đầu từ quý II-2013 đến hết năm 2016 với 1.530 hộ dân. Hầu hết số hộ dân này sẽ được tái định cư trong 16 tòa nhà cao 9 tầng thuộc Khu đô thị mới Việt Hưng. Thành phố cũng ước tính chi phí cho đề án giãn dân này là gần 5.000 tỷ đồng.

Cần khẳng định rằng, giãn dân phố cổ là yêu cầu rất cần thiết nhằm tạo điều kiện xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp; phục vụ du lịch và rất nhiều lợi ích khác. Thấy được điều này, 12 năm trước đây, đã có ý kiến đề xuất giãn dân phố cổ và được UBND TP ủng hộ tích cực. Nhiều hội nghị, hội thảo đã được tiến hành, nhiều dự án trong nước hoặc có hỗ trợ của nước ngoài đã được triển khai từ đó đến nay nhưng đều không thực hiện được do vấp phải những khó khăn vượt quá sức của thành phố, thậm chí quá sức của Nhà nước. Trong khi các dự án thay nhau phá sản hoặc chuyển động không đáng kể thì tình trạng quá tải dân số khu phố cổ càng nặng nề hơn. Người ngày một đông, nhà cửa hư hỏng, dột nát, biến dạng; giao thông chật chội; vệ sinh môi trường ngày càng xấu, chất lượng cuộc sống rất kém. Trước nhu cầu thường nhật, người dân đã phá dỡ, cơi nới, chia nhỏ các ngôi nhà cổ, xây chen các công trình mới đến mức giá trị của di sản phố cổ giảm đi từng ngày. Muốn bảo tồn, nâng cao giá trị di tích thì biện pháp hàng đầu là phải giãn dân, mà giãn dân thì phải có một lượng tiền rất lớn, một quỹ đất không nhỏ và rất nhiều điều kiện khác. Nhưng khó hơn cả là người dân có tình nguyện đi hay không?

Về câu hỏi này, có thể nói trừ một số nào đó ra, hầu hết người dân phố cổ muốn đến nơi ở mới. Chủ trương giãn dân của thành phố rất hợp lòng người. Nhưng muốn đi, phải thỏa mãn nhiều điều kiện, trong đó quan trọng nhất là đến nơi ở mới thì sống như thế nào và sống bằng gì? Ai cũng biết hầu hết những người ở khu phố cổ là người làm công ăn lương và buôn bán nhỏ. Chuyển nơi ở ra khỏi khu vực "tấc đất, tấc vàng", việc đi làm sẽ xa, đưa đón con cái sẽ khó khăn hơn. Nhưng dù sao, việc đi lại cũng có thể giải quyết được, chỉ còn chất lượng sống, chất lượng hạ tầng an sinh xã hội ra sao mà thôi. Nhưng còn người làm nghề buôn bán, nhất là buôn bán nhỏ, bán quà sáng - tối, hàng tạp hóa, mỹ phẩm, hàng phục vụ khách du lịch sẽ ra sao? Họ sẽ "bị" lên ở trong các nhà cao tầng đồng nghĩa với bỏ nghề cũ; không có nguồn thu nhập trong khi chi phí dịch vụ nhiều hơn, đi lại khó khăn hơn, họ sẽ sống bằng gì, sống như thế nào? Cũng chắc chắn rằng, khi tất cả phải bám nghề cũ mà sống, phải mang lối sống dưới mặt đất lên cao, chẳng mấy mà cái nhà, khu phố tái định cư sẽ nhếch nhác, xuống cấp, không quản lý nổi…

Chỉ có thể thành công nếu thay đổi phương án tái định cư bằng nhà cao tầng đi, cho phép xây dựng những con phố thấp tầng nhưng rộng rãi, được buôn bán như cũ, kết hợp chặt chẽ với du lịch như một thành phố mới dù có cách xa nơi ở cũ để người dân có nguồn sống ở nơi mới. Nhưng đó mới chỉ là một phương án, còn nhiều phương án nữa. Hãy tính toán kỹ trước khi làm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tính toán kỹ trước khi làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.