Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tinh thần cứu quốc từ bộ sưu tập truyền đơn lịch sử

Miên Hạo| 30/08/2020 16:07

(HNMO) - "Hỡi đồng bào yêu quý! Việc cứu quốc là việc chung, ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm... Vì đồng bào mưu danh tự do độc lập, dầu phải hy sinh tính mệnh cũng không nề". Lời hiệu triệu mang tinh thần cứu quốc ấy đến từ bức truyền đơn "Kính cáo đồng bào" do đồng chí Nguyễn Ái Quốc viết ngày 6-6-1941, góp phần thức tỉnh, tập hợp các tầng lớp nhân dân nhất tề đứng lên đánh đuổi Pháp - Nhật, giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Văn bản hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, thông qua triển lãm "Cách mạng Tháng Tám - Mốc son lịch sử".

Hoạt động tham quan tại triển lãm "Cách mạng Tháng Tám - Mốc son lịch sử".

Thức tỉnh, tập hợp triệu triệu trái tim yêu nước

Triển lãm "Cách mạng Tháng Tám - Mốc son lịch sử" ra mắt công chúng và du khách tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam từ ngày 18-8, thiết thực kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945-2020). Triển lãm giới thiệu tới đông đảo công chúng và du khách tham quan, nghiên cứu hơn 300 tài liệu, hình ảnh, hiện vật mang giá trị lịch sử cao.

Trong đó, có bộ sưu tập truyền đơn, báo chí mang tinh thần cứu quốc, phát hành trước và trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 - một hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng vô cùng hiệu quả của Đảng ta trong thời kỳ đấu tranh cách mạng những năm 1930-1945.

Bộ sưu tập truyền đơn, báo chí được trưng bày trang trọng ngay ở phần đầu tiên của triển lãm, mang nội dung "Mùa thu lịch sử", góp phần khẳng định vị trí, tầm vóc và giá trị lịch sử to lớn của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc.

Tại đây, cùng với truyền đơn "Kính cáo đồng bào" của Chủ tịch Hồ Chí Minh là truyền đơn của Việt Nam Độc lập đồng minh phát hành, kêu gọi đồng bào đánh Pháp - Nhật giành độc lập, năm 1945; truyền đơn "Đứng lên! Toàn diện kháng chiến! Toàn dân kháng chiến! Trường kỳ kháng chiến" của Tổng bộ Việt Minh phát hành năm 1946; các bài báo đăng trên Báo Cờ Giải phóng, Báo Cứu quốc, Báo Nước Nam mới, Báo Quân Giải phóng..., mang thông điệp cứu quốc, góp phần thức tỉnh, tập hợp triệu triệu trái tim yêu nước, đứng lên vì độc lập, tự do dân tộc.

Truyền đơn "Kính cáo đồng báo" do đồng chí Nguyễn Ái Quốc viết ngày 6-6-1941.

Có lúc, các thông điệp cứu quốc như lời kêu gọi thiết tha: "Hỡi đồng bào toàn quốc,... Giờ giải phóng của chúng ta đã đến!... Chúng ta hãy mau mau chuẩn bị, đoàn kết ức triệu như một, ghép chặt hàng ngũ dưới lá cờ đỏ sao năm cánh của hội Việt Minh"; lúc khác, văn bản lại như lời tự sự xót xa trước tình cảnh của người dân: "Hỡi đồng bào! Dân ta đã hàng triệu người chết đói mà giặc Nhật vẫn thu thóc thu thuế, hàng ngàn người chết vì bom đạn mà giặc Nhật vẫn bắt lính, bắt phu...", để rồi, muôn người như một, đồng thuận: "Hãy bảo nhau dùng đủ mọi cách: Không cấp một hạt thóc cho Nhật! Không cấp một xu thuế cho Nhật! Không cấp một tên lính cho Nhật! Không cấp một tên phu cho Nhật!".

Có mặt tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam trong ngày đầu triển lãm mở cửa, bà Nguyễn Thu Hằng (phường Điện Biên, quận Ba Đình) chia sẻ, bộ sưu tập truyền đơn được giới thiệu tại triển lãm tái hiện không khí cả nước sục sôi ý chí trước thời cơ giành độc lập đã chín muồi. Ở đó, những bản truyền đơn giấy cùng ngôn ngữ biểu đạt ngắn gọn, mộc mạc nhưng có sức truyền cảm lớn, góp phần không nhỏ thắp lên khát vọng tự do, tập hợp quần chúng đoàn kết, một lòng làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám lịch sử.

Thông điệp lịch sử - bài học giáo dục truyền thống

Từ những ngày đầu thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức xây dựng lực lượng cách mạng, đoàn kết toàn dân tộc thông qua các hình thức tuyên truyền cách mạng, trong đó có hình thức sử dụng truyền đơn.

Cho đến ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, bên cạnh các hình thức đấu tranh cách mạng khác như truyền miệng, báo chí bí mật..., hình thức tuyên truyền bằng truyền đơn đã thu hút sự chú ý của quần chúng nhân dân, tác động sâu sắc đến phong trào đấu tranh ủng hộ cách mạng, góp phần xây dựng lực lượng cách mạng ngày một lớn mạnh.

Một số ấn phẩm báo chí cách mạng phát hành trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trưng bày tại triển lãm "Cách mạng Tháng Tám - Mốc son lịch sử".

Nhằm mang đến những cảm nhận chân thực, sâu sắc nhất cho công chúng và du khách khi tiếp cận những thông điệp lịch sử, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam chọn lối trưng bày trực diện, sử dụng tài liệu gốc, trong đó phần lớn văn bản được sưu tầm từ các hồ sơ theo dõi của mật thám Pháp hoặc trong các hồ sơ, bản án của các chiến sĩ cách mạng, lưu giữ cẩn trọng theo đúng quy trình bảo quản suốt thời gian qua.

Nhờ vậy, các ấn phẩm được in bằng chữ quốc ngữ, theo lối thủ công như in thạch, in li-tô trên nền giấy nến... này vẫn nguyên vẹn qua năm tháng, là những "nhân chứng lịch sử" chân thực và quý giá về một thời đấu tranh gian khổ, hào hùng của dân tộc.

Thượng tá Lê Vũ Huy, Phụ trách Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, cho biết, bộ sưu tập truyền đơn được Ban tổ chức lựa chọn trưng bày trong dịp này nhằm tái hiện ý chí, tinh thần dân tộc đã góp phần làm nên thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa 19-8-1945, để rồi ngày 2-9, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập và tự do.

"Cách mạng Tháng Tám là một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam, dấu mốc lớn trên con đường phát triển trong suốt chiều dài mấy nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc. Trách nhiệm của những người Việt Nam chân chính trước hết là hiểu đúng, nhận thức rõ về ý nghĩa lịch sử, giá trị thời đại của Cách mạng Tháng Tám. Mặt khác, mỗi người, mỗi tập thể phải biết phát huy truyền thống, tinh thần, bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy, việc khai thác những thông điệp lịch sử này vào mục đích giáo dục truyền thống sẽ góp phần bồi đắp, lan tỏa tình yêu, trách nhiệm đối với quốc gia, dân tộc trong mọi tầng lớp nhân dân", Thượng tá Lê Vũ Huy khẳng định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tinh thần cứu quốc từ bộ sưu tập truyền đơn lịch sử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.