Nhận thức được tầm quan trọng của việc đổi mới ngành nông nghiệp nước nhà, thanh niên nông thôn luôn học hỏi, đổi mới và bước đầu đã dần “bắt nhịp” với nông nghiệp công nghệ cao.
Tại tọa đàm chủ đề “Nông nghiệp công nghệ cao - Cơ hội và thách thức” do Trung ương Đoàn tổ chức ngày 12-11 trong khuôn khổ “Liên hoan Thanh niên nông thôn toàn quốc và trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XVIII năm 2023”, diễn ra tại tỉnh Sóc Trăng từ ngày 11 đến 13-11, nhiều điển hình thanh niên nông thôn làm nông nghiệp giỏi đã có những đề xuất mới mẻ về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Anh Nguyễn Văn Thiên Vũ, Top 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022, Giám đốc Công ty cổ phần thiết bị bay AgriDrone Việt Nam cho biết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là cơ hội mang tính “sống còn” của ngành nông nghiệp, nếu chậm “bắt nhịp” sẽ bị tụt hậu xa so với các nước. Việt Nam vẫn dựa vào trụ cột kinh tế nông nghiệp nên đòi hỏi này càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Tại tọa đàm, anh Nguyễn Văn Thiên Vũ chia sẻ, từ gợi ý của khách hàng, năm 2015, anh cùng các cộng sự bắt tay sản xuất drone cho nông nghiệp. Sau 5 năm, dự án đã đạt con số 5.000.000 ha đất canh tác ứng dụng drone trong sản xuất, góp phần tiết kiệm được khoảng 1 tỷ lít nước trong canh tác nông nghiệp, giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính, chi phí canh tác giảm 20-30%. Đặc biệt, dự án đã góp phần tạo sinh kế cho khoảng 6.000 người, trong đó 70% là thanh niên.
Còn anh Đặng Dương Minh Hoàng, Chủ nhiệm Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc cho biết, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp hiểu đơn giản là nền nông nghiệp kết hợp yếu tố công nghệ mới (như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, tự động hóa, cơ giới hóa…) nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất. Tại Hợp tác xã nông nghiệp số Bình Phước, anh Đặng Dương Minh Hoàng cùng các cộng sự phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước cùng các đơn vị liên quan ứng dụng công nghệ Nano vào sản xuất, phát triển bền vững cây hồ tiêu cho nông dân tỉnh Bình Phước.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp về ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, Giám đốc Truyền thông, Tổng công ty Sabeco Đinh Nguyễn Thị Hường cho biết, một trong những chuỗi cung ứng của Sabeco có sử dụng nguyên liệu từ nông nghiệp. Chính vì vậy, công ty rất quan tâm đến nguồn nguyên liệu sạch được sản xuất từ nông nghiệp công nghệ cao. Công ty cũng cam kết hướng đến phát triển bền vững, sử dụng sản phẩm tái chế nên có chủ trương hỗ trợ người dân ở các vùng sản xuất nguyên liệu đáp ứng được các tiêu chuẩn đầu vào.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) Đặng Duy Hiển thông tin, hiện đã có 6 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp quốc gia (Hậu Giang, Phú Yên, Bạc Liêu, Thái Nguyên, Quảng Ninh và Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bắc Trung Bộ); 18 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 18.089 ha. Cả nước có 290 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hình thành gần 2.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao.
Cũng theo ông Đặng Duy Hiển, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm rủi ro tác động của biến đổi khí hậu, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết.
Tại tọa đàm, Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương nhấn mạnh, Trung ương Đoàn đã, đang và tiếp tục hỗ trợ và đồng hành với đoàn viên, thanh niên trong phát triển và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao năng suất, giá trị, chất lượng, khả năng thích nghi, hiệu quả sản xuất, giảm tổn thất...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.