Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tình huống lưỡng lợi

Hoàng Lê| 23/05/2019 10:13

(HNMCT) - Trong nhiều năm qua, vấn đề quản lý di sản tại thành phố Hội An (Quảng Nam) thường được nhắc tới với ý nghĩa bài học kinh nghiệm cho nhiều điểm đến khác trên phạm vi cả nước. Bài học ở đây hàm nghĩa cả mặt tích cực và ngược lại.


Như trong những ngày vừa qua, lãnh đạo thành phố Hội An đã có ý kiến về tình trạng quá tải du khách tại chùa Cầu có thể gây hại cho di sản kiến trúc mang tính nổi bật tại đô thị cổ này - một điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong nước và quốc tế.

Nói ngắn gọn, những người có trách nhiệm ở Hội An muốn giới hạn số người vào tham quan chùa Cầu ở mức 20 người/ lượt thay vì để cho tất cả đổ xô vào cùng một lúc. Trong trường hợp này, ít nhất thì chúng ta cũng có thể liên hệ điều diễn ra ở đó với tình hình tại cầu ngói Thanh Toàn (thành phố Huế) - nổi tiếng với lối kiến trúc “thượng gia hạ kiều”, và phần nào đó là cầu Thê Húc dẫn vào đền Ngọc Sơn tại Thủ đô Hà Nội.

Việc thành phố Hội An tính đến giải pháp hạn chế du khách vào chùa Cầu không gây ngạc nhiên, và điều đó cũng không đi ngược lại quan điểm phát huy tối đa lợi thế nguồn tài nguyên di sản để phát triển du lịch dựa trên nguyên tắc bảo đảm phát triển bền vững.

Vấn đề là bảo tồn di sản văn hóa, di sản thiên nhiên và phát triển du lịch được ví như hai mặt của một đồng xu, không thể tách rời khi du lịch văn hóa, du lịch di sản, du lịch sinh thái đang là lựa chọn phổ biến của du khách thế giới chứ không chỉ Việt Nam.

Mối quan hệ đó, về cơ bản mang ý nghĩa tích cực, nhưng cũng hàm chứa rủi ro mà phần “thua” cuối cùng, nếu có, bao giờ cũng thuộc về di sản. Bởi vậy, với các chuyên gia bảo tồn di sản thế giới, việc tìm ra giải pháp để “hai phía chung sống hòa thuận” là nhiệm vụ hàng đầu.

Nói cách khác, như Francesco Bandarin, năm 2002, khi đó là Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới của UNESCO, đã viết trong lời tựa tập tài liệu “Quản lý du lịch tại các khu di sản thế giới” rằng: Đây là “tình huống lưỡng lợi” cho tất cả những ai liên quan; khu di sản sẽ được bảo vệ và duy trì tốt hơn, du khách sẽ có những chuyến viếng thăm dễ chịu hơn, và kết quả là kinh tế địa phương cũng khởi sắc.

Bước chậm lại, thận trọng khi xem xét số liệu tăng trưởng về lượng khách du lịch đổ đến các khu di sản quan trọng là cách ứng xử cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Tại Việt Nam, ngoài trường hợp Hội An, chúng ta đã thấy tiếng nói phản biện về dự kiến xây dựng cáp treo ở khu vực hang Sơn Đoòng (Quảng Bình), ý kiến cảnh báo về một lượng lớn khách tham quan dồn đến Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) trước mùa thi hoặc trong những dịp nghỉ lễ...

Tại Hà Lan, mới đây, người dân ở một số nơi đã phải dựng rào chắn để ngăn du khách ào vào vườn hoa tulip chỉ vì muốn “selfie” - từ dùng chỉ hành động “chụp ảnh tự sướng”. Ảnh hưởng bất lợi từ du khách lớn tới mức, như báo chí nước ngoài đã dẫn, xuất hiện nhận định từ phía cơ quan quản lý du lịch Hà Lan rằng, “thay vì ra sức quảng bá hình ảnh đất nước là một điểm đến đáng mơ ước, giờ là lúc chúng tôi cần kiểm soát lượng khách tham quan”.

Tình trạng đầu tư tạo dòng du lịch vượt quá sức chịu đựng của di sản không xuất hiện ở tất cả mọi nơi, nhưng là dấu hiệu đòi hỏi phải sớm có giải pháp phòng ngừa - ngay cả với những điểm đến đang ở trong tình trạng “rất ổn”. Cách tốt nhất là xây dựng quy hoạch tổng thể; xác định chính xác mức độ chịu đựng của di sản và những yếu tố dễ tổn thương, từ đó xây dựng rào cản pháp lý phù hợp. Với phần việc này, tính chủ động, ý thức trách nhiệm của các cơ quan quản lý văn hóa và chính quyền địa phương mang ý nghĩa sống còn.

Cần phải nhấn mạnh điều này bởi trong thực tế, ngay cả với những điểm đến đã ở trong tình trạng “báo động đỏ”, không phải bao giờ nhận định chính xác cũng dẫn tới hành động kịp thời. Như với chùa Cầu, ý kiến hạn chế số người cùng lúc vào tham quan di sản không phải mới xuất hiện. Khoảng tháng 9-2016, báo chí đã dẫn ý kiến lãnh đạo thành phố Hội An về việc này, với nội dung trọng tâm là hạn chế số khách tham quan ở mức 20 người/ lượt. Sau gần 3 năm, chúng ta quay lại điểm xuất phát ban đầu, và đó không phải là điều tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tình huống lưỡng lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.