(HNM) - Hiếm có vùng quê nào như huyện Phú Xuyên - nơi 100% thôn, làng đều có nghề truyền thống. Từ lâu, làng nghề đã trở thành trụ đỡ trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân địa phương.
Mỗi làng một nghề
Huyện Phú Xuyên có nhiều làng nghề truyền thống như: Nghề đan cỏ tế Phú Túc; sơn mài khảm trai Chuyên Mỹ; nặn tò he Phượng Dực; may comple Vân Từ; giày da Phú Yên; đồ gỗ cao cấp Tân Dân và Văn Nhân; cơ kim khí Đại Thắng và nghề dệt lưới ở xã Quang Trung... Các làng nghề tạo ra nhiều sản phẩm, mẫu mã đa dạng, mang đậm nét văn hóa riêng của mỗi làng nghề và tạo dựng được thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng khắp ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước. Một số sản phẩm như mây giang đan đã được xuất khẩu sang các nước: Mỹ, Nga, Ba Lan, Nhật Bản, Trung Quốc...; sản phẩm sơn mài, khảm trai xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Nga, Ba Lan...; dệt lưới chã xuất khẩu sang thị trường Campuchia...
Nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề tò he thôn Xuân La, xã Phượng Dực trình diễn tay nghề tại lễ hội vinh danh làng nghề huyện Phú Xuyên. |
Ngoài sự năng động, sáng tạo, cần cù của nhân dân, sự phát triển của làng nghề còn có những đóng góp không nhỏ từ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Trong những năm qua, huyện Phú Xuyên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hình ảnh làng nghề của huyện được quảng bá rộng rãi; giá trị các sản phẩm hàng hóa giá trị gia tăng cao; giải quyết nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Nguyễn Hữu Chi, toàn huyện hiện có 156 làng, cụm dân cư có nghề (chiếm 100%). Trong đó, có 78 làng nghề được duy trì và phát triển mạnh; 40 làng nghề đã được UBND TP Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống. Năm 2017, toàn huyện có hơn 24.500 hộ gia đình làm nghề với gần 40.000 lao động, ước mang lại giá trị sản xuất 4.550 tỷ đồng. Riêng với các làng có nghề, lao động làm nghề truyền thống có thu nhập bình quân đạt 52 triệu đồng/người/năm, cao hơn nhiều so với lao động thuần nông.
Không dừng lại ở phát triển làng nghề, với sự quan tâm của TP Hà Nội và sự tập trung đầu tư của huyện Phú Xuyên, một số làng nghề đã gắn kết với phát triển du lịch, nâng cao đời sống người dân. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Phú Xuyên đã thu hút được trên 300 đoàn khách trong nước và nước ngoài với tổng số gần 6.000 lượt người đến tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử, du lịch làng nghề. Các đoàn khách thường đến các địa điểm làng nghề nổi tiếng như: Khảm trai Chuyên Mỹ, giày da Phú Yên, cỏ tế Phú Túc, mộc Tân Dân và Văn Nhân, may comple Vân Từ, cơ khí Đại Thắng...
Tạo sức bật mới cho làng nghề
Với mục tiêu bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề truyền thống gắn với du lịch làng nghề, góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đồng thời tri ân các bậc tiền nhân, tổ nghề đã có công tạo nghề và truyền nghề cho nhân dân; khẳng định vai trò, vị trí của nghề thủ công truyền thống đối với sự phát triển mọi mặt của huyện, UBND huyện Phú Xuyên tổ chức chương trình lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên lần thứ III năm 2017.
Lễ hội được tổ chức tại Sân vận động huyện Phú Xuyên trong 4 ngày (từ ngày 26 đến 29-10-2017). Theo Ban Tổ chức, trên diện tích hơn 2.000m2 được phân thành 5 khu vực, gồm: Khu nghệ thuật sắp đặt với không gian nghệ thuật đặc sắc, tôn vinh nét đẹp của các sản phẩm làng nghề; khu triển lãm ảnh nghệ thuật với hơn 100 bức ảnh về huyện Phú Xuyên; khu biểu diễn tay nghề đan cỏ tế xã Phú Túc và nặn tò he xã Phượng Dực; khu tổ chức đêm nhạc giao lưu nghệ thuật truyền thống “Lắng đọng tình quê” cùng đêm nhạc hiện đại “Sắc màu quê hương”; khu không gian giao thương với các gian hàng được chia thành 5 nhóm ngành là dệt may, da giày, thực phẩm, nông sản, đồ uống, tiểu thủ công nghiệp.
Đến với chương trình lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên lần thứ III năm 2017, du khách sẽ được giao lưu, tham gia trình diễn nghệ thuật đường phố, các trò chơi dân gian. Đây cũng là cơ hội để cảm nhận rõ hơn những nét văn hóa làng nghề truyền thống nói riêng và bản sắc, quan niệm sống của con người và đất nước Việt Nam nói chung.
Theo Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hải Hoa, với những nỗ lực trong tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các làng nghề phát triển, huyện Phú Xuyên phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hằng năm tăng từ 7 đến 7,5%; lao động nông thôn được đào tạo nghề đến năm 2020 là 15.000 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt 51%, giải quyết việc làm cho 25.000 lao động. Thu nhập bình quân từ sản xuất tiểu thủ công nghiệp của huyện từ 55 triệu đồng/người/năm trở lên; đồng thời hình thành và kết nối được một số tuyến du lịch làng nghề; phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với du lịch, tham quan, mua sắm tại làng nghề và giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.